Trí thông minh cảm xúc (hay Emotional Quotient – EQ) là chỉ số cảm xúc. Chỉ số này thể hiện sự sáng tạo và trí tưởng tượng của một cá nhân trước thế giới xung quanh. Nếu như IQ (Intelligence Quotient) được nhiều người xem là chỉ số thể hiện mức độ thành công của một cá nhân, thì EQ lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giúp tạo nền tảng cho thành công của cá nhân đó, đặc biệt trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay. Hiểu được điều đó, nhóm sinh viên của Khoa Quan hệ Quốc tế – Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học thành phố Hồ Chí Minh (HUFLIT) đã tổ chức buổi talkshow “Ứng dụng EQ trong phát ngôn” vào ngày 08/01/2022 trên nền tảng Microsoft Teams.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Vui – diễn giả của talkshow “Ứng dụng EQ trong phát ngôn”
Đến với chương trình, Cô Nguyễn Thị Ngọc Vui – Chuyên viên tham vấn tâm lý đã có những chia sẻ vô cùng thú vị và bổ ích. Được biết, cô Nguyễn Thị Ngọc Vui có nhiều kinh nghiệm trong việc tham vấn doanh nghiệp cũng như hiểu rõ về cách thức chia sẻ kiến thức chuyên môn qua nhiều hội thảo tại doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh. Không những vậy, cô cũng là Giảng viên Khoa Tâm Lý Học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chuyên ngành Tổ Chức Nhân Sự.
Hình ảnh sinh viên tham gia trong buổi talkshow
Với kinh nghiệm, kiến thức và sự nhiệt tình của mình, cô Nguyễn Thị Ngọc Vui đã cung cấp những thông tin vô cùng bổ ích cho hơn 200 sinh viên tham dự buổi talkshow. Nội dung chương trình xoay quanh các vấn đề về EQ như khái niệm, sự khác biệt giữa EQ và IQ, lý do cần phải phát triển EQ, làm thế nào để nâng cao EQ, những ví dụ điển hình của những người có EQ cao, đưa ra giải pháp cho các tình huống thực tế cần áp dụng EQ…
Một trong những kiến thức được cô Ngọc Vui chia sẻ để áp dụng vào thực tế chính là mô hình ABC. Trong mô hình này, A chính là sự kiện xảy đến, B là chúng ta, còn C là kết quả của cách chúng ta đối mặt với sự kiện. Chúng ta không thể thay đổi A, nhưng lại hoàn toàn có khả năng thay đổi B để dẫn đến một C tốt đẹp hơn. Ví dụ, giãn cách xã hội trong đại dịch COVID-19 là A, con người là B. Con người có thể chọn những thái độ tiêu cực như chán nản, thất vọng, ủ rủ để nhìn nhận tình hình phong tỏa. Điều này dẫn đến kết quả là một cuộc sống không còn niềm vui và động lực phát triển. Tuy nhiên, con người cũng có thể nhìn nhận tình hình với thái độ lạc quan, tích cực, và tận dụng thời điểm giãn cách để học thêm nhiều kỹ năng mới cũng như là dành thời gian nhiều hơn cho gia đình. Tóm lại, bằng cách vận dụng EQ để quản lý cảm xúc và điều khiển hành vi bản thân, chúng ta sẽ có thể chủ động tạo ra những kết quả tốt hơn cho cuộc sống.
Sinh viên tham gia đặt câu hỏi cho báo cáo viên
Đến với chuyên mục Hỏi – Đáp, cô Nguyễn Thị Ngọc Vui đã dành thời gian để trả lời các thắc mắc liên quan đến EQ và những tình huống thực tế của các bạn sinh viên. Một trong số những câu hỏi ấn tượng được cô Ngọc Vui giải đáp là về vấn đề kiểm soát lời nói trong cơn giận dữ. Nhờ có sự tư vấn tận tình, chu đáo của cô, các bạn sinh viên đã có thể rút ra được kinh nghiệm cho riêng bản thân.
Cuối chương trình, trưởng BTC đã thay mặt toàn thể cán bộ giảng viên, sinh viên có mặt tại chương trình gửi lời cảm ơn chân thành đến cô Nguyễn Thị Ngọc Vui đã dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và giải đáp những thắc mắc về EQ và tâm lý học.