Poster của HỘI NGHỊ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC SINH VIÊN năm học 2021-2022
Tiếp nối thành công từ những năm trước, nhằm mục đích khuyến khích sinh viên có đam mê tìm hiểu, nghiên cứu, lý giải các vấn đề khoa học và thực tiễn thuộc nhóm ngành khoa học xã hội nói chung và quan hệ quốc tế nói riêng, Hội nghị Nghiên cứu khoa học sinh viên năm học 2021-2022 do Khoa Quan hệ quốc tế tổ chức đã thu hút hơn 100 sinh viên đăng ký tham dự.
Hội nghị NCKH sinh viên năm nay đã vinh dự được đón tiếp Hội đồng Ban giám khảo bao gồm: TS. Ngô Thị Bích Lan – Phó Trưởng Khoa QHQT, Trường Đại học Ngoại Ngữ – Tin Học thành phố Hồ Chí Minh (HUFLIT) – Chủ tịch Hội đồng; TS. Trần Thanh Huyền – Trưởng Khoa QHQT trường Đại học Kinh tế – Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh (UEF) – Phản biện 1; ThS. Lục Minh Tuấn – Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM (USSH) – Phản biện 2.
Hội đồng Ban giám khảo (từ trái qua): TS. Ngô Thị Bích Lan – chủ tịch HĐ, TS. Trần Thanh Huyền – Phản biện 1,
ThS. Lục Minh Tuấn – Phản biện 2.
Phát biểu khai mạc, TS. Ngô Thị Bích Lan – Phó Trưởng khoa – Khoa Quan hệ Quốc tế đã chia sẻ những khó khăn, thử thách trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) của các nhóm sinh viên, đồng thời cô cũng khẳng định tầm quan trọng của việc NCKH đối với sinh viên trong môi trường đại học.
Tham gia Hội nghị NCKH sinh viên năm học 2021-2022 có 5 nhóm đề tài xuất sắc nhất được chọn với những chủ đề đã và đang đặt ra nhiều thách thức về mặt khoa học và thực tiễn gồm: Đề tài “An ninh nguồn nước cho đồng bằng sông Cửu Long: Mô hình xử lý nước của một số quốc gia trên thế giới” của nhóm THE MERMAIDS; Đề tài “Chiến lược của Trung Quốc tại châu Phi trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI” – nhóm YOUNG REPUBLICAN; Đề tài “Đánh giá hiệu quả hoạt động trách nhiệm xã hội đối với môi trường của các doanh nghiệp tại Việt Nam giai đoạn 2018 – 2021” – nhóm HHAN; Đề tài “Phương pháp “Ngoại giao cây tre” trong thời kỳ COVID – 19” của sinh viên (SV) Thái Thị Bảo Ngọc; Đề tài: “Chiến lược sức mạnh mềm của Ấn Độ tại châu Á trong thế kỷ XXI” của nhóm 3 CON MEOW.
Đại diện các nhóm trình bày về đề tài nghiên cứu khoa học
Sau phần trình bày báo cáo của các nhóm, các đề tài nghiên cứu đã được Hội đồng Ban giám khảo nhận xét và đánh giá cao về nội dung nghiên cứu, tính thiết thực đối với ngành học và xã hội. Bên cạnh đó, Hội đồng đã chỉ ra một số hạn chế về phương pháp nghiên cứu, cách đánh giá, phân tích các vấn đề nhằm làm nổi bật kết quả nghiên cứu. Qua đó giúp các bạn sinh viên nhận ra những ưu điểm và những phần tồn tại cần tiếp tục điều chỉnh để hoàn thiện đề tài của mình.
Sau thời gian làm việc nghiêm túc và hiệu quả, Hội nghị đã kết thúc thành công tốt đẹp. Thông qua Hội nghị NCKH sinh viên năm học 2021-2022 giúp các bạn sinh viên có cơ hội nghiên cứu, rèn luyện kỹ năng thuyết trình, khuyến khích sinh viên mạnh dạn, tự tin bảo vệ quan điểm và thành tựu nghiên cứu của mình, đặt nền tảng quan trọng cho sự phát triển năng lực học tập và nghiên cứu sau này. , qua đó tạo nguồn động lực to lớn cho các bạn sinh viên tiếp tục đăng ký các đề tài nghiên cứu vào những năm tiếp theo.
Hội đồng Ban giám khảo chụp hình cùng các bạn sinh viên tham gia hội nghị
Hội nghị Nghiên cứu khoa học sinh viên là một trong những hoạt động thiết thực, tạo cơ hội để các bạn sinh viên được trình bày kết quả nghiên cứu, lắng nghe ý kiến nhận xét, góp ý của các thầy cô trong Hội đồng BGK, qua đó hoàn thiện hơn nữa đề tài NCKH của mình. Đây cũng là dịp để Khoa Quan hệ Quốc tế lựa chọn những đề tài xuất sắc, có giá trị khoa học và thực tiễn tham dự giải thưởng Nghiên cứu Khoa học Euréka năm 2022.
Một số hình ảnh tại chương trình:
Xem thêm bài viết:
>> Khoa Quan hệ Quốc tế tổ chức sự kiện tổng kết thực tập cho sinh viên khóa 15.2018
>> Sinh viên khoa Quan hệ Quốc tế tham dự báo cáo chuyên đề: American government and democractic principles” cùng giáo sư Mark Tiller