Đến với Hội thảo, ThS. Nguyễn Thanh Huân – Giảng viên khoa Tâm lý học, trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh đã chia sẻ nhiều thông tin bổ ích đến đoàn viên, sinh viên Trường.
Chọn trò chơi “Nhận diện cảm xúc” để khởi động chương trình, từ việc ghép các chữ cái đã bị xáo trộn để xếp thành từ ngữ có nghĩa, diễn giả Thanh Huân bước đầu đã có những đánh giá cũng như chia sẻ về những loại cảm xúc tích cực của sinh viên HUFLIT. Đồng thời, thầy cũng mang đến “Bảng kiểm sức khỏe tinh thần” để đoàn viên, sinh viên tham gia tự xác định tình trạng tinh thần của bản thân như: stress, lo âu, trầm cảm theo các mức độ bình thường, nhẹ, vừa, nặng và rất nặng.
Bên cạnh đó, Thầy đã cùng đoàn viên, sinh viên Trường làm rõ 02 vấn đề “suy nghĩ tích cực” và “nhận thức bản thân” để nhận thức đúng đắn về những thuật ngữ. Theo Thầy, những người suy nghĩ tích cực vẫn cảm nhận được toàn bộ các cung bậc cảm xúc của con người – thỉnh thoảng sẽ tức giận, thất vọng, chán nản, cô đơn và thậm chí là buồn bã. Nhưng kể cả khi đối mặt với sự khó chịu, họ vẫn có một niềm lạc quan tiềm ẩn rằng mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn, họ có thể đối diện với những gì đang diễn ra và họ sẽ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc trở lại. Một dẫn chứng thuyết phục về sức mạnh của suy nghĩ tích cực là “Thí nghiệm của giáo sư Curt Richter tại trường Đại học Harvard (Mỹ) vào năm 1950”.
Bên cạnh đó, Thầy cho biết nhận thức bản thân là khả năng hiểu và nhận thức về các quan điểm, giá trị, cảm xúc, ý thức và hành vi của bản thân. Điều này liên quan đến khả năng tự nhận thức, tự đánh giá và tự điều chỉnh. Nhận thức bản thân còn là một khía cạnh quan trọng trong tâm lý học và phát triển cá nhân.
Thầy Huân chia sẻ rằng: “Một trong những nguyên tắc quan trọng của tâm lý học tích cực là khám phá và phát triển những khả năng và điểm mạnh của bản thân. Bằng cách tập trung vào những gì chúng ta có thể làm tốt và đạt thành công, chúng ta có thể xây dựng sự tự tin và định hướng tích cực trong cuộc sống”.
Sau khi lắng nghe những chia sẻ đến từ Thầy Nguyễn Thanh Huân, đoàn viên, sinh viên HUFLIT đã cùng giao lưu, nêu lên những thắc mắc hay vấn đề đáng quan tâm hiện nay và được Thầy giải đáp một cách trực tiếp, dễ hiểu. Thầy đã mang đến những kiến thức về chuyên môn và lan toả thông điệp ý nghĩa trong cuộc sống, giúp đoàn viên, sinh viên tham gia thể hiện những quan điểm, góc nhìn của bản thân, những tình huống thực tế đang gặp phải và nắm rõ hơn về các vấn đề, tự tin hơn khi phát biểu trước những người xung quanh.
Thầy cũng mang đến cách nhìn nhận theo tâm lý học: “Tâm lý học tích cực cũng nhấn mạnh đến sự quan tâm và chăm sóc bản thân. Việc thực hành tự yêu thương và tự chăm sóc giúp chúng ta duy trì sức khỏe tâm lý tốt và sẵn lòng chia sẻ niềm vui và sự thịnh vượng với những người xung quanh”.
Thông qua Hội thảo, đoàn viên, sinh viên Trường đã phần nào trang bị cho bản thân những kiến thức và kỹ năng cần thiết nhằm đối diện và xử lý các vấn đề xảy ra trong cuộc sống. Hy vọng đoàn viên, sinh viên HUFLIT sẽ luôn cố gắng trau dồi bản thân, học tập, tìm hiểu thêm về “Tâm lý học tích cực” để phát triển bản thân hơn nữa, trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình, tạo ra cuộc sống thoải mái, có ý nghĩa, đầy niềm vui, sự gắn kết, có các mối quan hệ tích cực và hoàn thiện.