Phát biểu khai mạc, TS Trần Thanh Nhàn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học HUFLIT nhấn mạnh, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những biến chuyển mạnh mẽ trong đời sống kinh tế xã hội, làm nảy sinh những vấn đề mới về pháp lý. Trong bối cảnh đó, công tác xây dựng pháp luật chắc chắn cần phải thay đổi toàn diện, cả nội dung lẫn hình thức. Cuộc cách mạng này tác động trực tiếp tới nhiều lĩnh vực, nó mở ra nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, trong đó có lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật.
Trình bày mở màn cho buổi hội thảo, TS. Bùi Kim Hiếu – Trưởng Bộ Môn Luật trường Đại Học Ngoại Ngữ và Tin Học Tp.HCM – bắt đầu với chủ đề “Đào tạo cử nhân luật kinh tế tại trường Đại học Ngoại ngữ và Tin học Tp.HCM trước cách mạng công nghiệp 4.0”. Thầy đã phục dựng thành công một xã hội hiện đại chịu ảnh hưởng nhiều mặt của những thành tựu khoa học kỹ thuật trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó lĩnh vực giáo dục nói chung và giáo dục pháp luật cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng đó. Theo TS. Bùi Kim Hiếu, cần tạo cơ chế mở hơn để cho phép những người có nhiều kinh nghiệm trong hành nghề luật hay các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan có thể tham gia vào công tác giảng dạy cử nhân luật. Từ đó các bạn sinh viên có thể học hỏi và có những cách nhìn toàn diện hơn và thực tế hơn về công việc tương lai của mình.
Cách mạng công nghiệp 4.0 với khuynh hướng phát triển như hiện nay đã bắt đầu và sẽ thúc đẩy sự cải cách tất cả các ngành luật như Luật Hiến pháp, Luật Hành chính, Luật Hình sự, Luật Dân sự, Luật Thương mại và Luật Lao động, nhưng có lẽ tập trung nhiều vào các lĩnh vực như Hiến pháp, quản trị môi trường ảo, sở hữu trí tuệ, quản trị doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thương mại điện tử… Pháp luật Việt Nam sẽ phải cải cách để hướng tới hai mục tiêu: mục tiêu cho việc thúc đẩy kinh tế, xã hội nhanh chóng tiếp cận tới cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và mục tiêu cho các hệ quả mà cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại.
Tại buổi hội thảo đã diễn ra các phiên thảo luận nói về các vấn đền khác như: áp dụng thành quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động xét xử vụ án dân sự tại tòa án, pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân trong cách mạng công nghiệp 4.0, chuẩn mực ngôn từ trong văn bản pháp luật, hoàn thiện pháp luật môi trường Việt Nam trong cách mạng công nghiệp 4.0, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong cuộc cách mạng 4.0, nhẫn diện quan hệ pháp luật lao động trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, đảm bảo việc làm cho người lao động trong cách mạng 4.0…sự phát triển của nền tảng internet trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động và thay đổi nhiều hoạt động và lĩnh vực trong cuộc sống bao gồm cả hoạt động xây dựng pháp luật.
Hội thảo đã thu hút 31 bài tham luận, của các chuyên gia về luật, các luật sư, các giảng viên ngành luật với nhiều góc nhìn khác nhau về cuộc cách mạng này trong lĩnh vực pháp luật như: việc giảng dạy luật ở các trường đại học; bảo vệ, nhận diện người lao động cũng như đào tạo người lao động đáp ứng yêu cầu trong thời đại cách mạng công nghiệp; hay bảo vệ doanh nghiệp nhìn từ góc độ taxi truyền thống với taxi công nghệ trong vụ kiện Vinasun – Grab; áp dụng thành quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động xét xử vụ án dân sự tại tòa án; hoàn thiện pháp luật về môi trường; pháp luật quyền tác giả; sở hữu trí tuệ hay thương hiệu; quyền riêng tư của con người; những vấn đề về việc sử dụng ngôn ngữ lập pháp… Từ đó sẽ giúp đưa ra một cái nhìn đa chiều hơn về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo được yêu cầu hội nhập của việc xây dựng và thực thi pháp luật trong thời đại mới.
Hội thảo cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các đài truyền hình, báo chí đưa tin:
Một vài hình ảnh:
TS.Bùi Kim Hiếu – Trưởng Bộ môn Luật trình bày chủ đề
“Đào tạo cử nhân luật kinh tế tại trường Đại học Ngoại ngữ và Tin học Tp.HCM trước cách mạng công nghiệp 4.0”.
Các đại biểu thảo luận các vấn đề liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0
Các đại biểu chụp hình lưu niệm