Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã lan tỏa mạnh mẽ đến từng khía cạnh của đời sống, tạo ra những thay đổi đột phá trong mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội. CMCN 4.0 đã và đang tạo ra một cuộc cách mạng trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học trên toàn thế giới.
Giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam cần phải thay đổi như thế nào để có thể tiệm cận với nền giáo dục hiện đại trên thế giới? Cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra từng ngày, từng giờ sẽ đem lại cho chúng ta những thuận lợi gì, những cơ hội gì để hoàn thành sứ mệnh trong thời đại mới? Liệu chúng ta có vượt qua được những trở ngại, thách thức trong cuộc CMCN 4.0 và góp phần tạo nên cuộc cách mạng cho giáo dục Việt Nam hay không? Đó là những vấn đề mà các nhà sư phạm, các cơ sở đào tạo đang nỗ lực tìm lời giải đáp bằng những chiến lược và hành động cụ thể.
Cuộc CMCN lần thứ 4 đang tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế Việt Nam, và đặt ra cho giáo dục đại học một nhiệm vụ cấp bách. Các trường đại học, nơi đào tạo lực lượng lao động tri thức cho xã hội, đang đối mặt với những áp lực rất lớn: khoa học công nghệ phát triển nhanh, vòng đời sản phẩm ngắn, hạn chế về nguồn lực đào tạo, nhu cầu của nhà tuyển dụng ngày một khắt khe, sự cạnh tranh của các cơ sở đào tạo trong bối cảnh toàn cầu hóa,…
Làm thế nào để vượt qua được những trở ngại, thách thức trong cuộc CMCN 4.0 và góp phần tạo nên cuộc cách mạng cho giáo dục Việt Nam? “Đổi mới để thích ứng và phát triển”, có lẽ đó là câu trả lời ngắn gọn và hàm chứa đầy đủ nhất cho những vấn đề đặt ra cho GDĐH hiện nay. Với sự hỗ trợ và động viên từ Lãnh đạoTrường, khoa Kinh tế -Tài chính kết hợp với các khoa, đơn vị trong trường tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu đổi mới của các trường đại học”.
Hội thảo khoa học “Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) và yêu cầu đổi mới của các trường đại học” được tổ chức tại Trụ sở chính của Trường Đại học Ngoại Ngữ – Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, số 155 Sư Vạn Hạnh (nối dài), phường 13, quận 10, TP HCM vào ngày 24/05/2019.
Hội thảo đã vinh dự đón tiếp sự tham gia của các doanh nhân thành đạt, cùng các nhà sư phạm, các nhà khoa học đang quan tâm đến từ: Trường Đại học Lao động & Xã Hội ( cơ sở II), Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Thái Bình Dương, Trường Đại học Văn Hiến, Trường Đại Học Ngoại Thương, Trường Đại học Ngân hàng, Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân, Trường Đại Học Công Nghệ TPHCM, Trường Đại học Khánh Hòa, Trường Đại học Tài chính – Marketing ,Viện Khoa học Giáo dục Văn hóa thể thao & Du lịch, Công Ty TNHH MTV Kho Vận Sài Gòn (Saigon Coop Logistic), Ban Quản Lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM, Công ty phần mềm Quang Trung, Công ty TNHH hóa chất H&T…
Giảng viên tham gia phát biểu tại Hội thảo
Trong buổi hội thảo, những vấn đề như: Ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0 đối với ngành giáo dục hiện nay; Các bước chuẩn bị của giáo dục đại học trước thách thức cuộc CMCN 4.0; các giải pháp cải tiến, đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và quản lý giáo dục đại học phù hợp với yêu cầu kinh tế – xã hội trong cuộc CMCN 4.0 … đã được thảo luận một cách nghiêm túc. Nhiều ý kiến tham luận được nhà trường hết sức quan tâm như: “Công nghệ 4.0 ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là sử dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, tự động hóa, năng lượng tái tạo. Chương trình đào tạo của các trường đại học hiện nay không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong thời đại công nghệ 4.0. Nhà trường cần đặt mục tiêu cao hơn , đó là đào tạo được những con người có thể cạnh tranh với robot. Công việc sẽ không bị biến mất mà chỉ chuyển đổi từ dạng này sang dạng khác. Do đó, sinh viên cần có khả năng vượt lên trên công nghệ chú không phải chạy theo công nghệ” (Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Tổng giám đốc công viên phần mềm Quang Trung).
Những kết luận từ Hội thảo đã giúp cho HUFLIT bổ sung được một số định hướng trong hoạt động đào tạo, như: cải tiến chương trình đào tạo, bổ sung một số ngành mới, tăng cường sự liên kết giữa các khoa, tăng cường cơ sở vật chất để đáp ứng mục tiêu đầu ra.