“AI có tác động gì đến nguồn nhân lực?”, “sinh viên phải làm gì để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp?” là những vấn đề được quan tâm sâu sắc tại Hội nghị Doanh nghiệp HUFLIT lần thứ 2. 42 Doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực cùng lãnh đạo Nhà trường, quý Thầy Cô các Khoa và 38 sinh viên HUFLIT tiêu biểu từ các Ngành đã cùng nhau có những chia sẻ, trao đổi, thảo luận sâu sắc về vấn đề nâng cao chất lượng chuyên môn của sinh viên nhằm đáp ứng kỳ vọng của nhà tuyển dụng, đặc biệt trong kỷ nguyên số.
Ngoài ra, Hội nghị lần này còn là cột mốc đánh dấu sự hợp tác giữa HUFLIT và 12 Đối tác trong giai đoạn 2025 – 2027, qua đó mang đến nhiều hơn nữa cơ hội thực tập, kiến tập và việc làm dành riêng cho sinh viên HUFLIT.
HUFLIT và các Doanh nghiệp tham dự Hội nghị Doanh nghiệp lần 2
Kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo: thử thách và cơ hội
AI là một trong những từ khóa được chú ý nhiều nhất trong Hội nghị lần này. Nhiều sinh viên bày tỏ sự lo lắng về việc trí tuệ nhân tạo có thể “soán ngôi” các công việc trong thị trường lao động vốn đang rất cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ sự đồng tình đối với mối quan ngại này của các bạn sinh viên.
“Từ lúc có trí tuệ nhân tạo, công việc sàng lọc hồ sơ xin việc (CV) của chúng tôi đã trở nên rất dễ dàng, không cần phải sàng lọc thủ công như trước nữa. Việc ứng dụng AI giúp chúng tôi tiết kiệm rất nhiều nhân lực và tài nguyên. Và việc có khả năng sử dụng AI hiện đang là một trong những “điểm cộng” mà chúng tôi cần có ở các nhân sự hiện nay” – Bà Nguyễn Lê Hoàng Cẩm – Giám đốc tuyển dụng Công ty TNHH Vietnam Concentrix Services chia sẻ về khả năng vượt trội của AI trong việc xử lý thông tin và dữ liệu.
Thực tế, từ khi AI ra đời và phát triển rộng rãi trong môi trường doanh nghiệp, nhiều vị trí trước đây do con người đảm nhiệm đã bị thay thế. Đó là lí do vì sao AI trở thành “đối thủ” cạnh tranh việc làm với nguồn nhân lực hiện nay.
Đại diện Concentrix chia sẻ về tác động của AI lên thị trường lao động
Có thể nói, sự phát triển của AI đang là một thách thức không nhỏ đối với người lao động. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội mà các bạn trẻ có thể nắm bắt bằng cách trang bị khả năng cập nhật và sử dụng AI. Nhiều Doanh nghiệp nhận định rằng, trong bối cảnh AI đang được sử dụng phổ biến như hiện tại, nếu được trang bị kỹ năng sử dụng AI cho công việc, sinh viên hoàn toàn có thể biến thách thức này thành cơ hội để phát triển sự nghiệp. Cụ thể, đại diện từ Transcosmos Technology Vietnam nhắn nhủ đến sinh viên HUFLIT rằng: “Với thế mạnh về ngoại ngữ và tin học, sinh viên HUFLIT hoàn toàn có thể tận dụng AI để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của mình và tạo ra lợi thế cạnh tranh cho bản thân”.
Sinh viên thiếu trải nghiệm thực tế – doanh nghiệp “đau đầu”
Trong phiên trao đổi tại Hội nghị, bên cạnh vấn đề về AI và chuyên môn nghề nghiệp, các bên thảo luận còn quan tâm đến bài toán trải nghiệm thực tế của sinh viên. Các doanh nghiệp đánh giá nguồn lực lao động trẻ hiện nay có tư duy sáng tạo, có khả năng học hỏi chuyên môn rất nhanh và thành thạo. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp vẫn đang “đau đầu” với câu chuyện sinh viên mới ra trường còn thiếu trải nghiệm thực tế.
Đại diện đến từ Tổ chức giáo dục QTS Australia chia sẻ tại Hội nghị: “Với sự phát triển của ngành giáo dục và đào tạo như thời điểm này, việc tìm kiếm một ứng viên vững chuyên môn là không khó. Tuy nhiên, tìm được một bạn trẻ vừa có nghiệp vụ, vừa có kỹ năng mềm lại là một câu chuyện khác”. Đại diện từ doanh nghiệp này cũng chia sẻ rằng, việc thiếu những kỹ năng mềm cần thiết cho công việc có lẽ xuất phát từ thực trạng sinh viên chỉ học mà không tham gia trải nghiệm thực tế.
Việc sinh viên vừa ra trường thiếu vốn trải nghiệm là thực trạng chung. Do đó, nhằm giúp sinh viên cọ xát với thực tiễn, trong những năm gần đây, HUFLIT đã đẩy mạnh các hoạt động tiếp xúc doanh nghiệp. Những hoạt động như chuỗi talkshow “HUFLIT Career Talk” hay chuyến đi trải nghiệm doanh nghiệp “HUFLIT Company Tour” đã tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội đối thoại với nhà tuyển dụng, cũng như trải nghiệm sớm môi trường doanh nghiệp ngay khi còn học tập ở giảng đường đại học.
Sinh viên HUFLIT trải nghiệm môi trường doanh nghiệp tại “HUFLIT Company Tour”
Mở rộng quan hệ doanh nghiệp, HUFLIT thêm cơ hội thực tập, kiến tập và việc làm cho sinh viên
“Trải nghiệm thực tế” và “trang bị kỹ năng sử dụng AI” là hai yếu tố sinh viên rất cần để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo – đó là nhận định của nhiều doanh nghiệp tại Hội nghị.
Nắm bắt được tình hình của sinh viên và mong muốn của nhà tuyển dụng, HUFLIT đã không ngừng nỗ lực để mở rộng cơ hội cho sinh viên tiếp cận với doanh nghiệp từ sớm, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo và đa dạng hóa trải nghiệm với các công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Tại Hội nghị doanh nghiệp lần II cũng đã diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác và cam kết hợp tác giai đoạn 2025 – 2027 với 12 Doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, cũng tại Hội nghị, HUFLIT đã được các doanh nghiệp chuyển giao công nghệ về phần mềm tích hợp AI cho ngành Quản trị Nguồn nhân lực. Đây là cơ hội rất lớn cho sinh viên trải nghiệm và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc tối ưu hóa các tác vụ quản lý nguồn lực.
HUFLIT ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác cùng Vietjet Air giai đoạn 2025 - 2027
Công ty cổ phần MISA trao tặng HUFLIT phần mềm MISA AMIS HRM tích hợp AI
Đánh giá cao nỗ lực của Nhà trường, các đại biểu tham dự Hội nghị nhận định đây là cơ hội cho cho sinh viên HUFLIT kết nối trực tiếp với doanh nghiệp, từ đó mở rộng cơ hội việc làm các bạn.
“Hội nghị có ý nghĩa rất lớn đối với em và các bạn sinh viên tham dự. Đây là cơ hội để chúng em tiếp xúc gần hơn với các doanh nghiệp, qua đó hiểu được nhu cầu của nhà tuyển dụng, đồng thời xác định được những yếu tố mà ứng viên cần có để thích nghi với làn sóng AI hiện nay” – Anh Phan Quang Trường, một trong 38 sinh viên HUFLIT tiêu biểu tham dự Hội nghị Doanh nghiệp chia sẻ.
Hội nghị Doanh nghiệp lần II đã tạo cầu nối để sinh viên HUFLIT tiếp cận và đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, qua đó, các bạn có thể nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp để có chiến lược phát triển sự nghiệp phù hợp. Ngoài ra, Hội nghị lần này còn đánh dấu việc mở rộng “bản đồ” hợp tác giữa HUFLIT với các doanh nghiệp. Đây là dấu ấn cho nỗ lực không ngừng của HUFLIT trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động.