Vừa qua, Khoa Luật HUFLIT đã tổ chức buổi báo cáo chuyên đề với chủ đề “Tiếp cận và phương pháp nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên Khoa Luật”. Chương trình không chỉ đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của sinh viên về các phương pháp nghiên cứu khoa học mà còn cung cấp những kiến thức thiết thực giúp các bạn nâng cao chất lượng công trình nghiên cứu. Việc nghiên cứu khoa học không chỉ là một yếu tố quan trọng trong học tập mà còn góp phần phát triển tư duy phản biện, kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề cho sinh viên.
Trong buổi báo cáo chuyên đề, TS. Hồ Hoàng Đức – Trưởng Khoa Luật HUFLIT đã chia sẻ tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học trong môi trường đại học: “Hiện nay, trong các trường đại học tầm quan trọng của việc nghiên cứu khoa học đã được đánh giá rất cao. Đây là phương pháp hiệu quả để sinh viên không chỉ nâng cao vốn kiến thức của mình mà còn tăng khả năng tư duy sáng tạo. Đồng thời tạo một môi trường học tập năng động. Bên cạnh đó, xuất phát từ nhu cầu của sinh viên mong muốn tìm hiểu và học hỏi thêm các phương pháp để thực hiện tốt hơn và có chất lượng hơn trong các công trình nghiên cứu khoa học”.
Chương trình chuyên đề lần này xuất phát từ nhu cầu của sinh viên muốn tìm hiểu thêm các phương pháp nghiên cứu khoa học, nhằm thực hiện các công trình nghiên cứu chất lượng hơn. TS. Hồ Hoàng Đức cũng nhấn mạnh rằng, chương trình đã mang đến cho sinh viên một cơ hội quý báu để trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết, giúp các bạn tự tin hơn trong hành trình nghiên cứu khoa học của mình.
Giải đáp cho câu hỏi cấu trúc của một bài nghiên cứu khoa học gồm những nội dung gì. ThS. Huỳnh Nữ Khuê Các, Phó trưởng Bộ môn Luật Kinh tế – Quốc tế cho biết: “Khi thực hiện một bài nghiên cứu khoa học, bước đầu tiên là lựa chọn đề tài rõ ràng và xác định mục đích nghiên cứu. Kết cấu bài nghiên cứu thường bao gồm hai hoặc ba chương, mỗi chương sẽ trình bày các nội dung liên quan đến vấn đề nghiên cứu. Cuối cùng, phần tài liệu tham khảo là một yếu tố quan trọng, cung cấp cơ sở lý luận cho công trình nghiên cứu”.
Truyền cảm hứng và khơi gợi niềm đam mê nghiên cứu khoa học trong sinh viên, ThS. Dương Minh Truyền – Giảng viên Khoa đã đưa ra những lợi ích cũng như định hướng cho các bạn để từ đó sinh viên có thể tìm hiểu kỹ hơn về các phương pháp nghiên cứu.
ThS. Dương Minh Truyền nhấn mạnh rằng nghiên cứu khoa học không chỉ giúp sinh viên nâng cao kiến thức mà còn rèn luyện khả năng tư duy phản biện và sáng tạo.
Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng khi tiến hành nghiên cứu khoa học đó chính là vấn đề liên quan đến việc sử dụng nguồn tài liệu tham khảo trong bài nghiên cứu như thế nào để được xem là tôn trọng đến quyền tác giả đã được ThS. Lê Thị Minh Nguyệt hướng dẫn rất tận tình.
Ngoài ra, các giảng viên khác như TS. Trương Thế Minh, ThS. Cao Tuấn Nghĩa, ThS. Phạm Thị Thu và ThS. Nguyễn Thị Thanh cũng đã tham gia chia sẻ và giải đáp những câu hỏi thiết thực từ sinh viên.
Các câu hỏi xoay quanh những kỹ năng cần thiết để tiếp cận nghiên cứu khoa học một cách hiệu quả, cũng như làm sao để sinh viên có thể phát triển góc nhìn mới khi nghiên cứu các vấn đề pháp lý đã được nghiên cứu rộng rãi trước đó. Các diễn giả đã cung cấp những lời khuyên bổ ích, giúp sinh viên hiểu rõ hơn về các phương pháp nghiên cứu sáng tạo và cách thức để đóng góp vào sự phát triển của lĩnh vực pháp lý.
Buổi chương trình khép lại trong không khí hứng khởi, mang lại những kiến thức và công cụ thiết thực cho sinh viên trong việc thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học, giúp sinh viên định hướng rõ ràng hơn trong hành trình nghiên cứu và phát triển nghề nghiệp sau này. Các diễn giả không chỉ chia sẻ những phương pháp nghiên cứu cơ bản mà còn khơi dậy niềm đam mê và tạo động lực cho sinh viên tiếp cận nghiên cứu khoa học một cách hiệu quả.