Hiện nay, Đào tạo và Nghiên cứu khoa học được xem là 02 nhiệm vụ chính và quan trọng nhất trong môi trường giáo dục, đặt biệt là giáo dục Đại học. Đây được xem là 02 nhiệm vụ có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau trong công tác giáo dục của nhà trường.
Đến với buổi hội thảo, các bạn sinh viên đã được lắng nghe ông Trần Đức Sự – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh chia sẻ về những lợi ích khi sinh viên nghiên cứu khoa học, sinh viên cần chuẩn bị gì để tiến hành nghiên cứu khoa học, cách tìm các ý tưởng để bắt đầu một đề tài nghiên cứu và thông tin về Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học Euréka.
Cũng theo ông Trần Đức Sự, khi tham gia nghiên cứu khoa học, các bạn sinh viên sẽ được rèn luyện rất nhiều kỹ năng như: kỹ năng làm việc nhóm (từ 03 đến 05 người), kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng giao tiếp và quản lý thời gian. Song song đó, các bạn sinh viên sẽ được nâng cao về trình độ chuyên môn, năng lực tự nghiên cứu và khả năng hiểu sâu về lĩnh vực đó. Ngoài ra, sinh viên cần phải có một thái độ tích cực và tinh thần sáng tạo.
Mặc dù nghiên cứu khoa học đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển và hoàn thiện bản thân của các bạn sinh viên. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể sáng tạo và lựa chọn đề tài nghiên cứu khoa học phù hợp, thực tiễn. Từ đây nhiều câu hỏi đặt ra về việc xác định tiêu chí để lựa chọn đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên? Có thể nói, nghiên cứu khoa học sinh viên là một hành trình khám phá, do đó tiêu chí đầu tiên cần phải được nói đến là tính mới, đó có thể là một đề tài chưa có người nghiên cứu hoặc tìm hiểu về lĩnh vực đó nhưng đứng dưới một góc nhìn khác. Thứ hai, phương pháp hay giải pháp đề xuất cần phải có tính sáng tạo. Thứ ba, khi viết một đề tài nghiên cứu sinh viên cần phải viết theo văn phong khoa học, theo tiêu chí khoa học. Cuối cùng, khi làm ra một đề tài nghiên cứu thì đề tài cần phải có tính ứng dụng hoặc mở ra một hướng nghiên cứu mới trong tương lai.
Vậy làm sao để các bạn sinh viên có ý tưởng trong nghiên cứu khoa học? Đó có thể là những vấn đề chợt lóe lên trong đầu, những vấn đề nóng và được quan tâm (đọc báo, xem thời sự,…), những vấn đề chưa được nghiên cứu hoặc nghiên cứu hạn chế/chưa được đào sâu, những đề tài giảng viên đang thực hiện, đọc sách chuyên về một lĩnh vực/tạp chí khoa học,…
Tại buổi hội thảo, các bạn sinh viên tham gia cũng đã tích cực đặt câu hỏi trao đổi với báo cáo viên nhằm tháo gỡ những vướng mắc mà bản thân đang gặp phải để từ đó tiếp tục kiên định trên con đường nghiên cứu khoa học của bản thân. Hy vọng thông qua buổi hội thảo, các bạn sinh viên tham gia đã có thêm cho mình những thông tin, phương pháp, kỹ năng cần thiết để thực hiện nghiên cứu khoa học và sẽ gặt hái được nhiều thành tích về nghiên cứu khoa học trong tương lai như một lời khẳng định cho những cố gắng của bản thân.