Toàn cảnh buổi hội thảo “Feel Your Emotion”
Buổi hội thảo đã mang lại nhiều bài học quý giá cho các bạn đoàn viên, sinh viên, giúp các bạn nhận ra việc kiểm soát cảm xúc của bản thân đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống thường nhật cũng như trong công việc và học tập.
Chia sẻ tại buổi hội thảo là Tiktoker Hồng Trân (Naiverosie). Chị được biết đến là một KOL ngành giáo dục tâm lý với kênh TikTok có hơn 1.3M follow và 22.9M lượt yêu thích, là CEO Học viện nhiếp ảnh, truyền thông trực tuyến HT Academy và chị là cựu sinh viên khoa Quan hệ Quốc tế HUFLIT.
TikToker Hồng Trân (Navierosie)
Với những trải nghiệm trong suốt thời gian học tập và làm việc, chị đã mang đến những phương pháp hữu ích giúp các bạn đoàn viên, sinh viên kiểm soát cảm xúc của bản thân mình.
Theo đó, chị Hồng Trân khuyến khích các bạn đoàn viên, sinh viên hãy bước ra khỏi “cái giếng” của mình, thử nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn, để các bạn thu nhặt được thêm các chất liệu phong phú, đa dạng về cảm xúc, từ đó nhận ra những vấn đề tồn đọng trong mỗi người khi đối mặt cảm xúc của chính mình. Sau khi trải nghiệm đủ nhiều, nên ghi chép lại những lần bản thân đối mặt với nó và tìm hiểu nguyên nhân bên trong, từ đó khắc phục và đưa ra hướng giải quyết mỗi khi mắc phải những cảm xúc như vậy.
MC cùng khách mời đặt vấn đề và đưa ra lời khuyên dành cho các bạn sinh viên tham gia
Để kiểm soát cảm xúc tốt nhất, khách mời khuyên các bạn đoàn viên, sinh viên nên rèn luyện nhiều hơn, ghi nhớ những hành vi bản thân đã hành động nhằm có đánh giá đúng sai để bản thân có cách ứng xử phù hợp hơn trong những tình huống tương tự.
Khách mời còn cung cấp một thủ thuật giúp các bạn đoàn viên, sinh viên bình tĩnh hơn khi nóng giận, đó là đánh lừa giác quan của mình. Ví dụ, một người đang trong trạng thái vô cùng nóng nảy và họ ý thức rằng khi giận dữ, họ sẽ la mắng và làm tổn thương những người xung quanh. Những lúc như vậy, hãy tạm rời đi và uống thật nhiều nước, điều này có thể sẽ không khiến họ bớt giận, nhưng sẽ khiến cảm xúc của họ bị gián đoạn, nhờ vậy mà họ cũng có thời gian tiết chế và suy nghĩ kỹ lưỡng hơn về hành vi và lời nói tiếp theo của họ khi giải quyết vấn đề.
Sinh viên tham gia đặt câu hỏi giao lưu với khách mời
Bên cạnh đó, khách mời còn chia sẻ thêm, cảm xúc còn bị chi phối rất nhiều vào sự chuẩn bị của bản thân mình. Ví dụ, một người đi ra đường, trong cốp xe họ lúc nào cũng có áo mưa, vì vậy, khi trời mưa họ cũng sẽ không bị bực bội vì diễn biến của thời tiết gây ra. Và ngược lại, vì không có áo mưa, họ có thể sẽ bị ướt, bị trễ làm, dẫn đến sự nóng nảy, ảnh hưởng đến hiệu suất công việc và thái độ hành xử của họ trong ngày. Do đó, cần có sự chuẩn bị về mặt tích cực lẫn tiêu cực, đưa ra những tình huống mà mình sẽ gặp phải cho các sự kiện bản thân dự kiến sẽ diễn ra trong ngày.
Ngoài ra, cảm xúc của bản thân cũng bị ảnh hưởng bởi hành vi của bản thân, từ cách mà bạn ứng xử với người khác. Nếu bạn la mắng một người, người đó có thể cũng sẽ đáp trả bằng lời lẽ và hành vi mang tính tiêu cực, dẫn đến cảm xúc tiêu cực của bạn ngày một tăng cao và ngược lại. Do đó, để tiết chế cảm xúc, thì việc chú trọng đến lời nói và hành động của bản thân cũng là cách giúp các bạn đoàn viên, sinh viên trở nên thành thạo hơn khi đối mặt với cảm xúc của chính mình.
Ngoài những “cẩm nang” kiểm soát cảm xúc chị Hồng Trân chia sẻ, khách mời còn cung cấp một số kỹ năng bên lề, những lời khuyên hữu ích để tạo thiện cảm trong mắt đồng nghiệp, giúp các bạn đoàn viên, sinh viên HUFLIT tự tin hơn trong môi trường công sở.
Khách mời chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Tổ chức chương trình
Không khí buổi hội thảo cũng trở nên sôi nổi hơn với những câu hỏi đến từ các bạn đoàn viên, sinh viên. Phần giải đáp của diễn giả cũng đã phần nào thỏa mãn được những thắc mắc của các bạn đoàn viên, sinh viên về các vấn đề liên quan đến cảm xúc. Qua đó, các bạn đoàn viên, sinh viên HUFLIT cũng đã chiêm nghiệm và bỏ túi cho mình nhiều bài học bổ ích, góp phần xây dựng một môi trường học tập, làm việc văn minh hơn.