Buổi tập huấn được tổ chức nhằm giúp tập thể lãnh đạo Nhà trường và các trưởng đơn vị trong trường hiểu được vai trò và ý nghĩa của quản trị rủi ro trong công tác quản trị Nhà trường; hiểu được quy trình quản trị rủi ro và khả năng vận dụng đối với cơ sở giáo dục. Qua đó, tiếp tục truyền tải ý nghĩa của công tác này tới toàn thể CB-GV-CV, tạo cơ sở để các khoa, các đơn vị thực hiện hiệu quả công tác quản trị rủi ro tại Trường.
Rủi ro được hiểu là khả năng xảy ra một sự kiện bất lợi hoặc không mong muốn, gây thiệt hại hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu của tổ chức. Tránh né rủi ro và tư duy “trong cái rủi có cái may” đã không còn phù hợp trong công tác quản lý hiện tại. Thay vào đó, quản trị rủi ro đảm bảo rằng tổ chức có khả năng nhận biết và đối phó với các rủi ro tiềm ẩn, từ đó giảm thiểu thiệt hại và tăng cường hiệu quả hoạt động. Quản trị rủi ro hiện nay còn là một vị trí quan trọng trong các doanh nghiệp lớn và các lĩnh vực tài chính như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán.
Bằng phương pháp tổng hợp và phân tích tư liệu cũng như các thực tiễn tốt về quản trị rủi ro ở nhiều nơi trên thế giới, PGS. TS Lê Văn Hảo đã giới thiệu những khái niệm và thuật ngữ cơ bản về quản trị rủi ro, những lý do cơ sở giáo dục đại học cần quan tâm đến quản trị rủi ro, những rủi ro có thể có của cơ sở giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ và một quy trình quản trị rủi ro có thể được vận dụng vào mỗi nhà trường.
PGS. TS Lê Văn Hảo đặc biệt nhấn mạnh rằng, quản trị rủi ro giúp bảo vệ cơ sở giáo dục khỏi tác động của các nguy cơ, giảm thiểu thiệt hại của các bất lợi và chủ động nhận diện các cơ hội mới. Đồng thời, quản trị rủi ro cũng góp phần bảo đảm sự tuân thủ pháp luật, các quy định nội bộ, thể hiện tính tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, có thể phân nhóm rủi ro theo các lĩnh vực hoạt động của tổ chức để thực hiện đánh giá khả năng xảy ra và mức độ ảnh hưởng. Trong suốt quá trình thực hiện quy trình quản trị rủi ro cần thường xuyên thông tin, tham vấn với các bên liên quan, thực hiện giám sát và rà soát toàn diện.
PGS. TS Lê Văn Hảo cũng nhận định rằng, quản trị rủi ro ở các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức và chưa được chú trọng đúng mức. Tuy nhiên, ngay khi bắt đầu, các trường có thể học hỏi từ các lý thuyết và thực hành lý thuyết quản trị rủi ro đã được thế giới xây dựng và tích lũy từ lâu trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh, giúp tiết kiệm thời gian nghiên cứu ban đầu.
Trong phiên hội thảo chiều cùng ngày, các Thầy Cô được chia thành các nhóm để thực hiện bài tập nhận diện rủi ro có thể xảy ra đối với mục tiêu chiến lược của từng đơn vị, phòng ban và khoa. Các nhóm đã nhận được góp ý và chỉnh sửa từ PGS. TS Lê Văn Hảo cùng toàn thể nhà trường. Qua đó, các đại biểu đã hiểu rõ hơn về kiến thức và xác định được quản trị rủi ro các mục tiêu đơn vị, từng bước xây dựng được các kịch bản ứng phó phù hợp, đóng góp chung vào việc kiện toàn mục tiêu chiến lược của HUFLIT trong giai đoạn sắp tới.
Một số hình ảnh tại buổi tập huấn: