Tại buổi Talkshow, ThS. Trần Thanh Tú, giảng viên Khoa Ngoại ngữ HUFLIT đã chia sẻ về những công cụ và kỹ năng cần thiết để giải quyết vấn đề khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong học tập. Thầy Tú cũng nhấn mạnh rằng để tận dụng tối đa lợi ích từ công nghệ mới, cần tìm hiểu các công cụ hỗ trợ phù hợp với từng kỹ năng và lĩnh vực học tập mà mình đang tìm kiếm. Qua đó, thầy cũng giới thiệu một số “người bạn AI” hữu ích và cách sử dụng hiệu quả, với lời khẳng định: “Cách thức sử dụng quyết định kết quả chúng ta nhận được từ các công cụ thông minh.”
Bên cạnh đó, Thầy Tú còn chia sẻ về những thách thức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo, như vấn đề tính công bằng và khả năng suy giảm sự sáng tạo do phụ thuộc quá mức. Do đó, để tránh các hệ lụy tiêu cực trong học tập, thầy đã hướng dẫn thêm cách sử dụng các thủ thuật đúng cách, giúp các bạn có thể tạo thêm ấn tượng trong các bài viết và bài luận mà không vi phạm nội quy Nhà trường.
Buổi talkshow còn có sự góp mặt của sinh viên Phạm Thị Như Ngọc – Sinh viên năm 4, chuyên ngành Biên – Phiên dịch, ngành Ngôn ngữ Anh HUFLIT. Với kinh nghiệm học tập và khi tham gia vào các buổi phiên dịch cabin thực tế, Như Ngọc đã chia sẻ những trải nghiệm trong nghề cũng như cách sử dụng các công nghệ thông minh để “cứu cánh” bản thân trong quá trình dịch thuật.
Ngoài việc lắng nghe những chia sẻ hữu ích, đoàn viên và sinh viên của trường đã có cơ hội tìm hiểu sâu hơn những tiềm năng của trí tuệ nhân tạo thông qua việc đặt câu hỏi với các khách mời trong chương trình. Thầy Trần Thanh Tú cùng sinh viên Phạm Thị Như Ngọc đã rất nhiệt tình giải đáp các thắc mắc và chia sẻ kinh nghiệm từ hai góc nhìn khác nhau: giảng viên đã ứng dụng thành thạo trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy và sinh viên trong việc áp dụng công nghệ này vào học tập.