Buổi Workshop với sự tham gia đặc biệt của hai khách mời là Chú Phạm Tiến Hiền và cô Phạm Thị Trình, hai nghệ nhân tò he có hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề. Chương trình đã diễn ra sôi nổi và thu hút sự chú ý của các bạn sinh viên HUFLIT với nhiều hoạt động đa dạng.
Hai nghệ nhân Phạm Tiến Hiền và Phạm Thị Trình đã chia sẻ về quá trình làm nghề của họ và mong muốn duy trì nghệ thuật truyền thống. Họ tận tình hướng dẫn sinh viên về cách tạo nên một tác phẩm tò he hoàn chỉnh và nhanh chóng nhất. Sinh viên không chỉ được chứng kiến sự làm việc của hai nghệ nhân mà còn được thực hành theo sự hướng dẫn của 2 nghệ nhân.
Buổi Workshop không chỉ là dịp để chào đón năm mới bình an và hạnh phúc mà còn là để tạo ra một sân chơi bổ ích, giúp sinh viên hiểu rõ hơn về nghệ thuật dân gian truyền thống – tò he, và giúp các bạn sinh viên có cơ hội tự tay sáng tạo nên những tác phẩm tò he của riêng mình.
Tò he, một trò chơi dân gian của trẻ em Việt Nam, được giới thiệu chi tiết với sinh viên tham gia workshop. Ban đầu, tò he được tạo ra từ bột và thường được sử dụng trong các lễ cúng. Sản phẩm này thường có hình dáng của các con vật như công, gà, trâu. Tò he còn được gọi là “đồ chơi chim cò” ở miền Bắc và “con bánh” vì có hình thù giống nải chuối, quả cau, chân giò, đĩa xôi – các đồ vật dùng để tạo mâm cỗ dâng cúng.
Kết thúc chương trình, sinh viên đã tự tay nặn ra những tác phẩm tò he độc đáo của mình. Cuộc thi giữa sinh viên để chọn ra tác phẩm đẹp nhất đã tạo ra không khí sôi động và vui nhộn, đồng thời nhận được những phần quà hấp dẫn từ chương trình.
Nhóm Dream Makers gửi lời cảm ơn Ban chủ nhiệm Khoa Quan hệ Quốc tế vì sự hỗ trợ tận tình, cũng như cảm ơn hai cô chú khách mời và tất cả sinh viên đã tham gia, tạo nên một sự kiện thành công và ý nghĩa. Một lần nữa, Dream Makers gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả.