Đồng hành cùng các giảng viên, học viên cao học tại chương trình là TS. Richard Bùi – hiện là Trợ lý giáo sư (Assistant Professor), Khoa Quản trị học, kiêm Trưởng Bộ phận Hợp tác quốc tế tại Phòng Quan hệ đối ngoại YZU và GS. Bryan Liang – Trưởng phòng Quan hệ đối ngoại.
Bước đầu chia sẻ về nghiên cứu khoa học, TS. Richard Bùi đã đề cập đến 8 bước quan trọng để bắt đầu quá trình nghiên cứu khoa học dành cho những người chưa có kinh nghiệm bao gồm: Bắt đầu từ dự án đơn giản nhất; Thảo luận với người hướng dẫn; Bắt đầu dự án lớn hơn; Thể hiện các công trình nghiên cứu của mình; Học từ những thất bại; Tiếp cận các chuẩn quốc tế; Khởi động một dự án độc lập; và cuối cùng, Nghĩ về các vấn đề lớn hơn. Thầy Richard luôn quan niệm rằng, AI không phải tất cả mà hãy nghĩ rằng nhờ AI mà tôi trả lời được các câu hỏi lúc trước tôi không trả lời được bằng phương pháp truyền thống.
Thảo luận cùng TS. Richard tại chương trình, nhiều giảng viên cũng đã đưa ra những câu hỏi, thắc mắc về vấn đề sử dụng AI trong nghiên cứu khoa học như “mức cho phép sử dụng AI là bao nhiêu trong nghiên cứu?”. Về vấn đề này, TS. Richard cho biết không có quy định cụ thể về mức độ sử dụng AI trong nghiên cứu. Một số nghiên cứu có thể dựa hoàn toàn vào AI, và điều này phụ thuộc vào mục tiêu và yêu cầu của từng dự án.
Buổi báo cáo đã mang đến cho cộng đồng nghiên cứu tại HUFLIT một cơ hội quý báu để tiếp cận và thảo luận về vai trò của trí tuệ nhân tạo trong nghiên cứu khoa học. Chia sẻ tại chương trình, GS. Liang cũng cho biết: “Đài Loan luôn có những chính sách dành cho học giả quan tâm đến việc nghiên cứu, và riêng trường YZU cũng có các chương trình học bổng áp dụng cho người học hệ Tiến sĩ hoặc nghiên cứu sinh học tập tại đây. Đây là cơ hội lớn dành cho các học giả muốn nâng cao trình độ và nghiên cứu khoa học tại Đài Loan”.
Đây cũng là dịp để mở ra những hợp tác mới, thúc đẩy sự phát triển nghiên cứu và tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các đối tác có uy tín như Trường Đại học Nguyên Trí.