Thi đua ái quốc: Lời kêu gọi mãi vẹn nguyên giá trị

TÁC GIẢ: Phụ trách Tuyên giáo của Đảng ủy Trường
NGÀY: 18/05/2018
Cách đây đúng 70 năm, giữa thời kỳ gian khổ, ác liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị đẩy mạnh phong trào thi đua ái quốc để động viên mọi lực lượng tham gia kháng chiến và kiến quốc.

Để triển khai Chỉ thị này, nhân kỷ niệm 1.000 ngày toàn quốc kháng chiến, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”.
Lời kêu gọi, hiệu triệu của Hồ Chủ tịch đã thôi thúc hàng triệu người dân Việt Nam yêu nước không ngại hy sinh, gian khổ, hăng hái thi đua lao động sản xuất, tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc.
Bác kêu gọi “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều cần trở nên một chiến sỹ đấu tranh trên một mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa… ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc”.

Người căn dặn: “Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững… Phải có kế hoạch tỉ mỉ. Kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm… Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực”. Mặt khác, phong trào thi đua yêu nước phải có sơ kết, tổng kết, kịp thời biểu dương, nêu gương, khen thưởng. Những hình thức khen thưởng đều có tác dụng động viên, khích lệ những người tham gia phong trào. “Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi”.

Trong thi đua yêu nước, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải làm gương sáng cho mọi người, tập thể noi theo. Trong 23 điều về “Tư cách một người cách mệnh”, có điều: “Nói thì phải làm”, và sau này, Người nhấn mạnh: “Cán bộ phải thi đua với quần chúng, xung phong làm gương mẫu cho quần chúng để kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”; “Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”…

Thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ, các phong trào thi đua yêu nước đã phát triển rộng khắp cả nước, thu hút đồng bào và chiến sĩ cả nước hăng say lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm chống giặc đói; thi đua học tập xóa nạn mù chữ, chống giặc dốt và dũng cảm kiên cường trong chiến đấu diệt giặc ngoại xâm, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Những phong trào thi đua như: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm,” “Hũ gạo kháng chiến,” “Sóng Duyên Hải” “Gió Đại phong,” “Cờ Ba nhất”… đến các phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng,” “Phụ nữ ba đảm đang,” “Tuổi nhỏ chí lớn,” “Dạy tốt, học tốt”… đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, động viên mọi tầng lớp nhân dân cả nước tích cực lao động sản xuất, dũng cảm chiến đấu giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong suốt 70 năm qua, thực hiện lời kêu gọi thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên khắp mọi miền đất nước ta, các phong trò thi đua đã diễn ra sôi động, thiết thực trên tất cả các lĩnh vực và đạt được những kết quả quan trọng về kinh tế – xã hội và công cuộc bảo vệ Tổ quốc.

Trong thời kỳ đổi mới, công tác thi đua-khen thưởng đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương pháp, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện địa hóa. Tiêu biểu là các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Thanh niên lập nghiệp”, “Ðền ơn đáp nghĩa”, “Vì Trường  Sa thân yêu”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”…  đã góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh phong trào chung, vẫn có không ít những hiện tượng làm giảm ý nghĩa của thi đua yêu nước. Những hoạt động nặng về bề nổi, hình thức, chạy theo phong trào. Một số ngành, địa phương còn lúng túng, không chỉ đạo thường xuyên, để phong trào thi đua trầm lắng…

Nhân dịp này, tại nhiều địa phương, cũng như các bộ ngành đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm, hội thảo nhằm trao đổi, nhận thức đúng đắn, sâu sắc hơn về vai trò của phong trào thi đua trong bối cảnh trên tất cả các hoạt động kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, quốc phòng, an ninh… còn vô vàn khó khăn đòi hỏi cần phải đồng lòng, chung tay, góp sức vượt qua sóng gió.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, lời kêu gọi thi đua yêu nước của Hồ Chủ tịch 70 năm về trước vẫn vẹn nguyên giá trị.

Tuyên giáo của Đảng ủy trường xin giới thiệu đến các chi bộ toàn văn “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”:
“ Mục đích thi đua ái quốc là gì?
Diệt giặc đói khổ,
Diệt giặc dốt nát,
Diệt giặc ngoại xâm.
Cách làm là dựa vào:
Lực lượng của dân
Tinh thần của dân, để gây:
Hạnh phúc cho dân.
Vì vậy bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua.
Làm cho mau
Làm cho tốt
Làm cho nhiều.
Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mọi mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa. Thực hiện khẩu hiệu:
Toàn dân kháng chiến
Toàn diện kháng chiến
Trong cuộc thi đua ái quốc, chúng ta
Vừa kháng chiến
Vừa kiến quốc.
Kết quả đầu tiên của thi đua ái quốc là:
Toàn dân đủ ăn đủ mặc.
Toàn dân sẽ biết đọc biết viết
Toàn bộ đội sẽ đầy đủ lương thực, khí giới, để giết giặc ngoại xâm.
Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn.
Thế là chúng ta thực hiện:
Dân tộc độc lập.
Dân quyền tự do.
Dân sinh hạnh phúc.
Ba chủ nghĩa mà nhà đại cách mạng Tôn Văn đã nêu ra.
Để đi đến kết quả tốt đẹp đó, tôi xin:
Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc;
Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn;
Đồng bào công thương thi đua mở mang doanh nghiệp;
Đồng bào công nông thi đua sản xuất;
Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh;
Nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc phụng sự nhân dân;
Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng.

Nói tóm lại, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Phong trào sôi nổi, thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng.

Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chẳng những chúng ta có thể thắng lợi, mà chúng ta nhất định thắng lợi trong thi đua ái quốc.
Hỡi toàn thể đồng bào!
Hỡi toàn thể chiến sĩ!
Tiến lên!
Ngày 11 tháng 6 năm 1948
Hồ Chí Minh”

Tin tức & Sự kiện gần đây

  • 6 thay đổi nổi bật trong quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 học sinh cần biết
    Bộ GD-ĐT vừa chính thức ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT, áp dụng từ năm 2025 với 6 điểm mới nổi bật. Bài viết dưới đây, HUFLIT sẽ tổng hợp các thông tin quan trọng để các bạn học sinh THPT không bỏ lỡ.
  • 25 sinh viên HUFLIT nhận học bổng 10,000 USD từ Ngân hàng KEB Hana
    25 suất học bổng với tổng trị giá 10,000 USD, không chỉ là phần thưởng xứng đáng cho những cố gắng không ngừng nghỉ của các bạn sinh viên đến từ các khoa Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông, Kinh tế – Tài chính, Quản trị Kinh doanh và Luật, mà còn là nguồn động viên to lớn, giúp các bạn tự tin thực hiện ước mơ học tập của mình.
  • Lớp học trải nghiệm nghiệp vụ nghề ‘hút hồn’ sinh viên Khoa Luật HUFLIT
    Nghiệp vụ nghề Luật luôn là chủ đề luôn được các bạn sinh viên bàn tán sôi nổi, đặc biệt là sinh viên khoa Luật. Hiểu được tâm lý chung của các bạn, Khoa Luật tổ chức mô hình mới dưới dạng hình thức lớp học trải nghiệm thực tế với sự chuẩn bị chỉnh chu về nội dung, kiến thức và đội ngũ báo cáo viên đầy kinh nghiệm đã mang đến cho các bạn sinh viên một buổi học gần gũi và nhiều kiến thức.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Đăng ký xét tuyển tại tuyensinh.huflit.edu.vn
Tìm hiểu thông tin huflit.edu.vn

Tư vấn tuyển sinh

Hotline 1900 2800
Email tuyensinh@huflit.edu.vn
Zalo 0965 876 700
icon-bar