Hoa Kỳ từ lâu đã trở thành quốc gia tiêu biểu, đại diện cho chế độ dân chủ trên thế giới. Thế nhưng trong những năm gần đây, tình hình chính trị thế giới biến đổi không ngừng cũng như các vấn đề nội bộ chưa được giải quyết đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến quốc gia này, nhất là trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở thời điểm hiện tại. Đặc biệt hơn, dưới nhiệm kỳ của Cựu Tổng thống Donald Trump, các mối đe dọa quy tắc hiến pháp ngày càng gia tăng làm suy giảm vị thế đối với nền dân chủ của Mỹ. Bên cạnh đó, sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin cùng các phương tiện truyền thông lại đặt ra một thách thức lớn hơn đối với vấn đề nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tự do ngôn luận (phát ngôn và báo chí) cũng như thuật ngữ “thế giới hậu sự thật” (“post-truth world”).
Có thể nói việc nắm bắt kịp thời và chính xác các vấn đề liên quan đến chính trị, văn hóa thế giới trong thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin là một thách thức không hề nhỏ đối với sinh viên Quan hệ Quốc tế. Đó cũng là lý do khoa Quan hệ Quốc tế phối hợp cùng Phòng Đối ngoại HUFLIT tổ chức buổi báo cáo chuyên đề: “American Government and Democratic Principles”. Qua đó, sinh viên HUFLIT sẽ có cái nhìn toàn diện về các khía cạnh khác nhau của nền dân chủ tại Hoa Kỳ cũng như tích lũy thêm nhiều kiến thức chuyên ngành bổ ích và cần thiết trong các hoạt động kết nối, giao lưu quốc tế.
Poster của chương trình
Đến với buổi báo cáo chuyên đề mang tính học thuật cao, các bạn sinh viên đã có cơ hội lắng nghe những kiến thức, kinh nghiệm vô cùng quý giá từ diễn giả chính của chương trình – GS. Mark Tiller đến từ Houston Community Colleges (HCCs). Trong suốt nhiều năm qua, GS. Mark Tiller đã có nhiều cống hiến khi liên tục giữ các vị trí quan trọng tại các trường cao đẳng, đại học tại Mỹ và là người sáng lập CLB Khoa học Chính trị tại HCCs. Đặc biệt, ông từng là giảng viên đầu tiên dạy môn Văn minh Mỹ cho sinh viên HUFLIT và là giáo sư nước ngoài đầu tiên giảng dạy bộ môn này tại Việt Nam sau năm 1975. Chính vì thế, sự trở lại lần này của giáo sư Mark Tiller lại càng ý nghĩa hơn bao giờ hết nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Trường.
TS. Ngô Thị Bích Lan – Phó Trưởng Khoa QHQT; Th.S Nguyễn Thị Thiều – Trưởng phòng Đối ngoại và ThS. Hồ Thùy Dung – Giám đốc Trung tâm truyền thông – tổ chức sự kiện chụp ảnh lưu niệm cùng GS. Mark Tiller.
Thông qua các nội dung về bản chất thật của nền cộng hòa và những sự thật đằng sau câu chuyện của truyền thông hiện nay được GS. Mark Tiller chia sẻ nhiệt tình và thú vị, các bạn sinh viên được cung cấp đầy đủ từ lý thuyết đến thực tiễn về khái niệm dân chủ, những biện pháp để hạn chế quyền lực đảng phái, phân tích sự đối lập giữa hai đảng cầm quyền; hay việc làm thế nào để kiểm chứng nguồn thông tin, hình ảnh cũng như đánh giá đầy đủ, khách quan nhất về các vấn đề chính trị trên báo chí, truyền thông…
GS. Mark Tiller – Ngành chính trị học Trường Cao Đẳng Cộng đồng Houston (Houston Community College)
Cũng tại buổi chuyên đề, Giáo sư đã chia sẻ rằng “thế giới hậu sự thật” ngày nay bị chi phối bởi Internet khiến cho con người rất khó để có thể bắt kịp tốc độ công nghệ thông tin. Chính vì thế, cần trang bị đầy đủ về kiến thức liên quan, khả năng đánh giá thông tin cũng như áp dụng thông tin để giải quyết vấn đề. Song song với đó, là việc so sánh, đối chiếu các nguồn thông tin, hình ảnh, cũng như tranh luận một cách lành mạnh trên phương tiện truyền thông nhằm đảm bảo đầy đủ quyền tự do ngôn luận của mỗi cá nhân.
Sinh viên tham gia đặt câu hỏi cho báo cáo viên (BCV)
Khép lại buổi báo cáo chuyên đề, nhiều vấn đề đã được BCV và sinh viên cùng nhau trao đổi, thảo luận, đem đến một bức tranh tổng thể về các khía cạnh khác nhau của nền dân chủ tại Hoa Kỳ. Hy vọng đây sẽ là dịp để các bạn sinh viên khoa Quan hệ Quốc tế, đặc biệt là các bạn theo đuổi chuyên ngành Ngoại giao đa phương và Truyền thông quốc tế sẽ có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết phục vụ cho công việc sau này.
Giáo sư Mark Tiller chụp ảnh lưu niệm cùng giảng viên, sinh viên tham dự chương trình
Xem thêm bài viết:
>> Khoa Quan hệ Quốc tế và hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên 2021-2022
>> Dear HUFLIT 2022 đã trở lại, viết tiếp hành trình 30 năm