Tọa đàm hân hạnh được đón tiếp sự góp mặt của Quý Thầy/Cô là giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng đang tham gia giảng dạy tại Khoa. Mở đầu cho buổi tọa đàm. GVC. TS. Bùi Kim Hiếu – Trưởng Khoa Luật phát biểu việc sử dụng phương pháp này giúp người học hiểu rõ hơn về các khái niệm, đặc điểm, quy trình, thủ tục và thao tác trong từng môn học cụ thể, trang bị những kiến thức cần thiết và xây dựng kỹ năng nghề nghiệp cơ bản, cần thiết cho người học sau này. Tạo cảm giác thu hút, mới mẻ, đổi mới tư duy sáng tạo trong sinh viên. Theo Thầy, những môn học thuộc lĩnh vực Luật đặc thù là những môn học khoa học xã hội, thường nặng về lý thuyết, hàn lâm. Tuy nhiên với nhu cầu của xã hội hiện nay, yêu cầu đối với các cơ sở đào tạo Luật không chỉ truyền đạt kiến thức lý thuyết mà phải thực hiện việc rèn luyện kỹ năng thực hành nghề nghiệp. Muốn làm được điều đó thì ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, sinh viên phải được tiếp cận với thực tiễn trong từng bài học.
ThS. Nguyễn Hoàng Phương Thảo đóng góp ý kiến việc lựa chọn các phương án, hình giảng dạy cho sinh viên phải phụ thuộc vào mục đích, nội dung và đối tượng giáo dục. Để việc giảng dạy môn học pháp luật có hiệu quả cần phải lựa chọn và sử dụng tổng hợp, hài hòa các phương pháp: sư phạm, tâm lý, tư duy lôgic, thực hành, giải quyết tình huống cụ thể, trực quan và tổ chức chỉ đạo phối hợp giáo dục pháp luật, tăng cường kiểu học tập tích cực, phát huy sự động não cá nhân, sử dụng nhiều hơn phương pháp nghiên cứu theo tình huống, phương pháp giải quyết vấn đề. Tuy nhiên kết hợp với việc nâng cao phương pháp giảng dạy phải có phương pháp đánh giá kết quả học tập của sinh viên với những tiêu chí cải tiến cơ bản, cần đưa vào sử dụng các phương pháp đánh giá có tính khách quan cao hơn.
Tọa đàm diễn ra trong không khí cởi mở, trao đổi và truyền tải kinh nghiệm. Chung quy rằng, cần đổi mới các phương pháp giảng dạy, cụ thể hơn là đưa phương pháp trực quan vào trong giảng dạy các môn học ngành Luật tại Khoa Luật Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP. Hồ Chí Minh. Qua đó, sinh viên sẽ được tiếp cận một cách sinh động những điều đã học và làm cho chúng được phong phú hơn, sâu sắc hơn. Trong quá trình giảng dạy giảng viên luôn gắn lý luận với thực tiễn sinh động dễ tiếp thu, dễ nhớ và dễ vận dụng vào cuộc sống.