1. Phương thức tuyển sinh đa dạng
Trong dự thảo mới, Bộ GD&ĐT tiếp tục duy trì nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau. Bên cạnh kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT truyền thống, các phương thức xét tuyển từ học bạ, thi đánh giá năng lực hay các bài thi riêng của trường đều được khuyến khích. Điều này mang lại cơ hội đa dạng hơn cho các thí sinh, giúp các trường có thể linh động trong việc lựa chọn nguồn tuyển sinh phù hợp với yêu cầu và đặc thù của từng ngành học. Các ngành đặc thù như Sư phạm và Y khoa yêu cầu điểm học bạ từ tốt trở lên trong cả ba năm cấp 3, hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 8 trở lên. Các ngành khác có mức yêu cầu thấp hơn tùy thuộc vào tính chất đào tạo.
Genz 2k7 rất quan tâm đến những thay đổi trong quy chế tuyển sinh 2025
2. Quy định mới về điểm thi
Các môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp sẽ được tính điểm theo thang điểm 10, và điểm thi sẽ được áp dụng linh hoạt trong các phương thức xét tuyển khác nhau. Thí sinh có thể sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào nhiều trường và ngành học, miễn là tổ hợp môn thi phù hợp với yêu cầu của từng chương trình đào tạo.
3. Thay đổi trong kỳ thi đánh giá năng lực
Ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT, một số trường đại học cũng sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng biệt. Đây là cơ hội lớn cho các thí sinh thể hiện khả năng của mình không chỉ qua kết quả học tập mà còn qua các bài thi đánh giá kỹ năng tư duy, sáng tạo và giải quyết vấn đề.
Bện cạnh đó, kỳ thi ĐGNL của ĐHQG vẫn tổ chức và có những điều chỉnh mới như: cấu trúc đề thi, cách tính điểm, địa điểm tổ chức và quy mô.
Về cấu trúc đề thi sẽ gồm 120 câu trắc nghiệm với thời gian làm bài là 150 phút, chia thành ba phần:
– Sử dụng ngôn ngữ (bao gồm Tiếng Việt và Tiếng Anh).
– Toán học và Tư duy khoa học (trước đây là logic, phân tích số liệu và giải quyết vấn đề).
– Giải quyết vấn đề (tăng tính thực tiễn, thí sinh được chọn ba trong sáu nhóm vấn đề để làm bài).
Nội dung sẽ nhấn mạnh khả năng logic, phân tích, suy luận khoa học, và giải quyết các tình huống thực tế trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội.
Bên cạnh đó, cách tính điểm cũng có thay đổi như: bài thi được chấm theo phương pháp trắc nghiệm hiện đại, với tổng điểm tối đa 1.200 (300 điểm cho mỗi phần: Tiếng Việt, Tiếng Anh, Toán học, và Tư duy khoa học).
Dự kiến, kỳ thi tiếp tục mở rộng tại 25 tỉnh/thành, với hai đợt thi dự kiến vào ngày 30/3 và 1/6/2025. Điều này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh ở các địa phương xa.
4. Sự thay đổi trong tổ hợp môn thi
Các tổ hợp môn thi vẫn sẽ bao gồm các môn học chính như Toán, Văn, Ngoại ngữ, nhưng các trường sẽ có thể linh động thay đổi các môn thi hoặc thêm các môn mới, đặc biệt là các môn thuộc chương trình Giáo dục phổ thông 2018, như Tin học, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Điều này tạo điều kiện cho các trường đào tạo chuyên sâu theo từng nhóm ngành.
5. Điều chỉnh trong tổ hợp môn xét tuyển
Bên cạnh thay đổi trong tổ hợp môn thi, thì dự thảo cũng có những đổi thay về các tổ hợp xét tuyển và nổi bật nhất ở các nội dung sau:
-
- Tổ hợp xét tuyển phải có môn Văn hoặc môn Toán: Theo dự thảo, mỗi tổ hợp xét tuyển phải bao gồm ít nhất 3 môn, trong đó: Toán hoặc Ngữ văn là môn bắt buộc với trọng số chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm. Các môn còn lại cần phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của ngành học. Nếu sử dụng kết quả học tập cấp THPT, cần xét dựa trên kết quả cả năm lớp 12. Các trường có thể sử dụng đồng thời nhiều tổ hợp môn cho một ngành, nhưng trọng số của các môn chung trong các tổ hợp này phải chiếm ít nhất 50% tổng điểm xét tuyển.
- Tăng số lượng tổ hợp xét tuyển cho các ngành đào tạo: Không còn quy định ràng buộc mỗi ngành có tối đa 4 tổ hợp xét tuyển, các trường có thể tăng số lượng tổ hợp xét tuyển để đáp ứng đa dạng các ngành học.
Ví dụ: Ngành Ngôn ngữ Anh tại trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP. Hồ Chí Minh các năm có các tổ hợp xét tuyển A01, D01, D14, D15, nhưng năm nay trường có thể điểu chỉnh và thay đổi để phù hợp với quy chế mới của Bộ GD&ĐT và phù hợp với xu hướng đào tạo của trường.
HUFLIT chia sẻ với các bạn học sinh về thách thức và cơ hội trong kỳ tuyển sinh 2025
6. Chính sách ưu tiên
Cũng như những kỳ tuyển sinh trước đây, dự thảo này vẫn tiếp tục áp dụng các chính sách ưu tiên cho những thí sinh thuộc diện đặc biệt, giúp tạo sự công bằng trong xét tuyển và hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp cận giáo dục đại học.
Dự thảo Quy chế Tuyển sinh Đại học 2025 mang đến một quy trình tuyển sinh mới với nhiều điểm cải tiến, mở rộng các cơ hội cho thí sinh và tăng tính linh hoạt cho các trường đại học. Những thay đổi này không chỉ giúp cải thiện chất lượng đầu vào mà còn tạo ra một môi trường công bằng và đa dạng cho thí sinh trong quá trình lựa chọn ngành nghề, trường học phù hợp với năng lực và đam mê của mình. HUFLIT sẽ tiếp tục cập nhật các thông tin mới nhất về Tuyển sinh đại học 2025 để sát cánh cùng các bạn trong hành trình chọn ngành, chọn nghề cho tương lai. Đừng quên website của Trường để cập nhật các thông tin mới nhất nhé!
Nguồn: Tổng hợp