Khách mời của workshop là chị Nguyễn Ngọc Tú Dung và anh Nguyễn Phan Anh, cả hai đều là những nghệ sĩ tài năng với bằng Thạc sĩ Nghệ thuật từ Đại học Utrecht (Hà Lan). Chị Tú Dung là một nhà nghiên cứu, thực hành và giáo dục nghệ thuật đa lĩnh vực, đồng thời là thành viên của Read-in Collective. Anh Phan Anh, nghệ sĩ đa ngành tại Sài Gòn, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP. HCM trước khi lấy bằng Thạc sĩ tại Đại học Nghệ thuật Utrecht.
Bằng những góc nhìn nghệ thuật sâu sắc và kinh nghiệm phong phú, hai diễn giả đã dẫn dắt các bạn sinh viên HUFLIT bước vào hành trình khám phá nghệ thuật đương đại đầy thú vị, cùng trải nghiệm những cung bậc cảm xúc sâu lắng và sáng tạo.
Để khởi động không khí cho buổi workshop, ngay từ khâu check-in, các sinh viên tham gia đã được yêu cầu vẽ một vật hoặc khái niệm mà họ từng khao khát trong quá khứ nhưng giờ đây đã không còn giá trị nữa. Yêu cầu này, dù khá lạ lẫm, đã khiến các bạn sinh viên dừng lại một chút tại khâu check-in để suy ngẫm và tạo nên một không gian tràn đầy sự tò mò và sáng tạo.
Sau khi tất cả các bạn sinh viên đã hoàn thành phần yêu cầu ở khu vực check-in, chị Tú Dung đã chiếu lên màn hình tổng thể bức tranh của các bạn, tạo ra một không gian tràn ngập sự tò mò với rất nhiều hình thù và ký hiệu khác nhau. Để giải mã những tác phẩm này, chị mời một số bạn sinh viên chia sẻ về ý nghĩa các hình vẽ. Bên cạnh những hình vẽ được mô tả là “không có hoa tay” hay “chưa nghĩ ra ý tưởng”, cũng có những chia sẻ đầy cảm xúc về những ước mơ, dự định dang dở của các bạn tham dự.
Sau phần chia sẻ, anh Phan Anh đã mời các bạn sinh viên cùng xem những thước phim nghệ thuật được tổng hợp từ khắp nơi trên thế giới, mở rộng tầm nhìn và cung cấp cho các bạn những kiến thức mới mẻ. Tiếp theo, các sinh viên tham gia vào các hoạt động thực hành như lên ý tưởng kịch bản, vẽ tranh theo nhóm và trình bày ý tưởng của mình, qua đó rèn luyện khả năng sáng tạo và phát triển kỹ năng làm việc nhóm.
Một trong những sản phẩm tiêu biểu của workshop đến từ nhóm Địa Chấn – một nhóm bạn trẻ có ý thức cao về việc bảo vệ môi trường. Sở dĩ tên nhóm được đặt theo ý nghĩa như vậy vì, Cây cối chính là lá phổi xanh của Trái Đất, nhưng những tác động của con người như: đốt rừng làm nương rẫy, chặt gỗ để sản xuất cơ sở vật chất, xả rác bừa bãi đã khiến cho diện tích rừng và quy mô cây xanh giảm đi rõ rệt, tạo thành cơn địa chấn đối với bầu không khí của nhân loại. Nhóm đã đưa ra những biện pháp để bảo vệ môi trường và giảm thiểu những vấn nạn được nêu ở trên. Sau phần trình bày của nhóm, chị Tú Dung đã có những góp ý về góc nhìn kịch bản của các bạn, giúp nhóm có thể xâu chuỗi lại câu chuyện 1 cách dễ dàng và có những kinh nghiệm quý báu về việc làm việc nhóm.
Không khí buổi workshop diễn ra vô cùng sôi động và hào hứng. Các bạn đã tích cực tương tác hai vị khách mời, đặt nhiều câu hỏi thú vị và chủ động tham gia các hoạt động thực hành. Qua mỗi tác phẩm được hoàn thành, các nhóm sinh viên đều thể hiện được câu chuyện và thông điệp mà các bạn muốn truyền tải.
Workshop không chỉ mang đến kiến thức về nghệ thuật mà còn giúp sinh viên rèn luyện khả năng quan sát, tư duy phản biện và kỹ năng kể chuyện qua hình ảnh. Chương trình đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn nghệ thuật trong sinh viên HUFLIT, đồng thời khẳng định vai trò của nghệ thuật trong việc kết nối con người và xây dựng cộng đồng sáng tạo.
Một số hình ảnh tại buổi workshop: