Nghiên cứu khoa học (NCKH) không chỉ là một trong những tiêu chuẩn cốt lõi trong kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học, mà còn góp phần nâng cao uy tín học thuật, khẳng định vị thế của nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc gia và quốc tế, đồng thời thúc đẩy sự phát triển cá nhân và chuyên môn của đội ngũ sư phạm. Khi được triển khai hiệu quả và gắn kết chặt chẽ với hoạt động đào tạo, NCKH còn mang đến giá trị thiết thực cho người học, giúp phát triển tư duy học thuật, năng lực giải quyết vấn đề và khả năng sáng tạo.
Tại HUFLIT, việc định vị lại và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học là một trong những trụ cột gắn liền với sứ mệnh phát triển của Nhà trường, được cụ thể hóa thông qua các chính sách hỗ trợ thiết thực, định hướng chiến lược và tập huấn chuyên sâu. Tiêu biểu cho những nỗ lực này là buổi tập huấn “Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học” vừa qua, nhằm củng cố kỹ năng chuyên môn và lan tỏa tinh thần nghiên cứu trong đội ngũ cán bộ, giảng viên, chuyên viên toàn Trường.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Phó Hiệu trưởng HUFLIT nhấn mạnh: Sinh viên sẽ nhận được nhiều giá trị nhất từ hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên.
Nội dung buổi tập huấn được thiết kế bài bản, kết hợp giữa lý thuyết chuyên môn và hoạt động thực hành, thông qua phần dẫn dắt và trao đổi chuyên sâu từ PGS.TS Huỳnh Thanh Công – Phó Trưởng ban, Ban Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia TP.HCM và TS. Nguyễn Vĩnh Khương – Phó Trưởng phòng, phụ trách Phòng Sau đại học – Khoa học Công nghệ, Trường Đại học Kinh tế – Luật.
PGS.TS Huỳnh Thanh Công – Phó Trưởng ban, Ban Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia TP.HCM (phải) và TS. Nguyễn Vĩnh Khương – Phó Trưởng phòng, phụ trách Phòng Sau đại học - Khoa học Công nghệ, Trường Đại học Kinh tế - Luật (trái).
Trong phần lý thuyết, người tham dự được giới thiệu tổng quan về hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học hiện nay, đồng thời tiếp cận các kiến thức thiết yếu phục vụ công tác nghiên cứu như cách viết đề cương thuyết minh đề tài, phương pháp thu thập và xử lý dữ liệu, kỹ thuật trình bày kết quả nghiên cứu cũng như kỹ năng viết bài báo khoa học. Bên cạnh đó, chương trình còn cung cấp hướng dẫn tìm kiếm và tiếp cận các nguồn tài trợ nghiên cứu, yếu tố quan trọng giúp giảng viên và chuyên viên hiện thực hóa các ý tưởng học thuật.
Thầy Cô chủ động đặt câu hỏi, cùng diễn giả “mổ xẻ” những vấn đề thực tế trong nghiên cứu khoa học.
Phần thực hành của buổi tập huấn được triển khai theo hình thức thảo luận và xây dựng đề cương đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường, chia thành hai nhóm chuyên môn để đảm bảo tính chuyên sâu. Nhóm thứ nhất tập trung vào lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, do PGS.TS Huỳnh Thanh Công trực tiếp hướng dẫn. Nhóm còn lại gồm các lĩnh vực kinh tế, luật, khoa học xã hội – nhân văn, du lịch và ngoại ngữ, do TS. Nguyễn Vĩnh Khương đảm nhiệm. Các thầy cô tham gia đã chuẩn bị trước đề tài nghiên cứu, thông qua hoạt động sẽ được nhận góp ý cụ thể từ chuyên gia để hoàn thiện cách tiếp cận, cấu trúc đề cương và hướng triển khai phù hợp thực tiễn.
TS. Nguyễn Vĩnh Khương hướng dẫn cách tiếp cận các nguồn tài trợ nghiên cứu hiệu quả tại phần thực hành.
Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức, buổi tập huấn còn mang lại ý nghĩa thiết thực trong việc tạo ra các đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao và khả năng công bố quốc tế, hướng đến việc kết nối hoạt động nghiên cứu với yêu cầu đào tạo và phát triển của Nhà trường. Thông qua hoạt động này, HUFLIT kỳ vọng xây dựng đội ngũ giảng viên và chuyên viên có tư duy nghiên cứu bài bản, sẵn sàng mở rộng hợp tác với các chuyên gia trong và ngoài nước, từ đó thúc đẩy hệ sinh thái nghiên cứu phát triển vững chắc trong môi trường đại học. Đây cũng là một bước đi quan trọng trong lộ trình phát triển năng lực khoa học công nghệ gắn liền với chiến lược nâng cao chất lượng đào tạo của HUFLIT trong thời gian tới.