Trong bối cảnh mạng lưới thông tin phát triển như hiện nay, thẩm định thông tin và truyền thông là kỹ năng quan trọng và cần thiết, đặc biệt đối với học giả, nhà nghiên cứu và giáo viên dạy các môn tiếng Anh để luyện kỹ năng đọc, viết và phát triển chuyên môn. Hiểu được điều đó, Văn phòng tiếng Anh khu vực (RELO) thuộc Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam lên kế hoạch thực hiện một chuỗi các chương trình tập huấn phương pháp thẩm định thông tin và truyền thông trong tháng 7-8/2023 trên khắp Việt Nam.
Tại TP.HCM, RELO đã chọn Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP. Hồ Chí Minh (HUFLIT) để phối hợp tổ chức chương trình ý nghĩa này, với tên gọi “Thẩm định thông tin và truyền thông trong giảng dạy tiếng Anh” (Media Literacy) do TS. Elizabeth Plummer – Tiến sĩ Ngoại ngữ và ESL, Trường ĐH Iowa, Mỹ là tập huấn viên. Chương trình diễn ra vào ngày 04/8/2023 và thu hút gần 40 giảng viên, giáo viên tiếng Anh từ các trường đại học và THPT trên địa bàn TP. HCM tham dự.
Chương trình còn chào đón sự có mặt của các đại diện từ Tổng Lãnh sự quán (TLSQ) Hoa Kỳ tại TP.HCM: Ông Tony Jones – Tùy viên Quan hệ đối ngoại và Cô Trần Nguyễn Hạnh Nguyên – Chuyên gia phụ trách các chương trình giáo dục.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, PGS.TS.Nguyễn Ngọc Vũ – Phó Hiệu trưởng HUFLIT gửi lời cảm ơn đến RELO, TLSQ Hoa Kỳ tại TP. HCM đã tin tưởng đồng hành cùng HUFLIT tổ chức sự kiện này, đồng thời cho biết HUFLIT sẽ cố gắng duy trì các hoạt động như thế này thường xuyên để nâng cao chuyên môn giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo.
Đáp lại, Ông Tony Jones cho biết các hoạt động hợp tác mà tập huấn này là ví dụ chứng minh cam kết của TLSQ để phát triển mối quan hệ giữa hai nước, và điều này luôn được ưu tiên hàng đầu đối với Đại sứ quán và TLSQ Hoa Kỳ.
Chương trình được tổ chức trong không gian lớp học thông minh với bàn ghế được sắp xếp phù hợp cho các hoạt động làm việc nhóm, góp phần nâng cao chất lượng buổi học. Các nội dung như Creating/Adapting Lesson Plans, Producing Media/Engaging Students, Building a Professional Development on Media Literacy for Colleagues lần lượt được cô Plummer truyền tải xen kẽ với nhiều hình thức trực quan sinh động, khiến người tham gia thích thú và tự tin thể hiện quan điểm, ý kiến.
Những hoạt động sôi nổi có thể kể đến như Hoạt động làm quen – chuyền bóng và trả lời các câu hỏi về Digital/Media, từ đó cùng nhau bàn luận về thuật ngữ: Media, Information, Technology; Hoạt động “Telephone” tìm hiểu về tính “tam sao thất bản” của tin tức cũng như sự đa dạng của tin tức dưới mỗi góc nhìn của mỗi cá thể; Hoạt động thảo luận đôi: Học sinh sử dụng media để làm gì trong cuộc sống?. TS. Plummer cũng đưa ra một số trang web giúp kiểm tra tính xác thực của thông tin như: snopes.com; factcheck.com; politifact.com.
Phan Quang Trường – người tham gia đến từ HUFLIT, chia sẻ: “Em cảm thấy mình có được khả năng sử dụng những công cụ khác nhau để chọn lọc thông tin tốt hơn. Một buổi workshop khiến em bất ngờ vì không đưa ra quá nhiều thông tin hoặc những slides đầy chữ mà để người tham gia được trải nghiệm và tự nhận ra các bài học qua các hoạt động tương tác khác nhau: giữa người tham gia với nhau, giữa các nhóm, giữ người tham gia với diễn giả. Thật sự rất thú vị và đáng nhớ”.
Có thể nói, chương trình đã cung cấp các công cụ dạy kỹ năng thẩm định thông tin và truyền thông trong các môn học tiếng Anh, giúp giáo viên xây dựng giáo án để người học phát triển kỹ năng thẩm định thông tin và áp dụng kiến thức vào thực tế. Hy vọng, chương trình đã góp phần nâng cao năng lực dạy và học tiếng Anh của Việt Nam, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.