Chiều ngày 11/11/2019 tại phòng Hội thảo cơ sở Sư Vạn Hạnh, Bộ môn Luật Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi hội thảo lấy ý kiến của các bên liên quan, lắng nghe ý kiến người học sau khi tốt nghiệp với mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động tại các cơ quan và tổ chức doanh nghiệp.
Hội thảo hân hạnh được đón tiếp sự góp mặt của các Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, Thẩm phán, Luật sư, Công chứng viên là các chuyên gia làm công tác lý luận và các đơn vị sử dụng lao động cùng đông đảo các bạn sinh viên, cựu sinh viên của Bộ môn Luật Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP. Hồ Chí Minh.
Mở đầu buổi hội thảo, GVC. TS. Bùi Kim Hiếu – Trưởng Bộ môn Luật đã khái quát nhu cầu về nguồn lực trình độ đại học ngành Luật Kinh tế của khu vực và cả nước trong tình hình hiện nay. Trong đó, TS. Bùi Kim Hiếu nhấn mạnh, với bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, việc đào tạo ngành Luật Kinh tế trình độ đại học là một xu thế tất yếu và cấp thiết cho sự phát triển của Việt Nam. Theo đó, để nâng cao chất lượng trong đào tạo thì việc kế thừa và đổi mới chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế lúc bây giờ là vô cùng cần thiết.
Phát biểu tại hội thảo các đại biểu đều đánh giá cao Chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế. Ngành học có mục tiêu rõ ràng, phù hợp với yêu cầu xã hội. Chương trình đào tạo có khối lượng kiến thức vừa phải, hợp lý. Nội dung chương trình phù hợp với mục tiêu đào tạo. Việc phân chia tỷ lệ phân bố giữa lý thuyết và thực hành hợp lý, từ đó thiết kế phù hợp cho khối kiến thức chung cũng như khối kiến thức pháp luật chuyên ngành. Bên cạnh đó, trong chương trình đào tạo ngoài khối kiến thức chung và khối pháp luật chuyên ngành thì có khối kiến thức các môn bổ trợ khác cũng được các chuyên gia nhận đinh cao khi có sự thiết kế hợp lý.
Các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực cũng đã có những trao đổi và đưa ra các ý kiến đóng góp tích cực cho việc xây dựng Chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế tại Bộ môn Luật HUFLIT. Phát biểu tại hội thảo Luật sư Nguyễn Thanh Đạm, Luật sư Đổng Mây Hồng Trúng đều đặc biệt cho rằng hiện nay nhu cầu của thị trường lao động đối với ngành Luật Kinh tế đang rất cao, việc điều chỉnh chương trình nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường là cần thiết và kịp thời. Theo ý kiến của Công chứng viên Nguyễn Đình Thịnh, mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra của chương trình đạo tạo được thiết kế và xây dựng logic, kỹ lưỡng và đi sát các kiến thức về ngành học. Nên đảm bảo sinh viên khi ra trường có được các kỹ năng cần thiết, đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị sử dụng lao động vì vậy để nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay, cần tăng giờ giảng daỵ thông qua các tình huống, vụ việc pháp lý thực tế nhiều hơn, nhằm tạo môi trường thực tiễn cho người học để đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Bên cạnh việc các chuyên gia đóng góp ý kiến, tại buổi hội thảo cũng lắng nghe ý kiến từ sinh viên và cựu sinh viên về những thuận lợi và khó khăn mà các bạn gặp phải trong quá trình học tập và quá trình làm việc sau khi tốt nghiệp, theo đó cùng đề ra những giải pháp cải tiến và khắc phục thống nhất đưa vào thực hiện nhằm góp phần xây dựng nên một chương trình đào tạo khoa học và thiết thực hơn cho người học.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, GVC. TS. Bùi Kim Hiếu cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp quý báu từ các chuyên gia để hoàn thiện Chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế, đảm bảo trong tương lại gần cung cấp cho thị trường lao động một đội ngũ người lao động là các cử nhân Luật Kinh tế chất lượng cao, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế – xã hội.