Chương trình âm nhạc đặc biệt “Ngân Tiếng Ba Miền” được tổ chức nhằm tôn vinh văn hóa ba miền của đất nước và mang đến một không gian âm nhạc đậm chất dân tộc, giúp khán giả trải nghiệm những giá trị truyền thống qua âm nhạc, múa và những câu chuyện dân gian đặc sắc.
Sự kiện thu hút sự tham gia của đông đảo khán giả yêu thích nghệ thuật và âm nhạc dân tộc, đặc biệt là các bạn sinh viên đến từ các khoa, ngành khác nhau tại HUFLIT. Chương trình còn có sự góp mặt của các ca sĩ nổi bật như 52Hz và Em Ellata, cùng với hơn 60 tài năng trẻ tham gia biểu diễn, đã mang đến cho khán giả những tiết mục ấn tượng và đầy cảm xúc.
Sân khấu “Ngân tiếng ba miền” rực màu cờ tổ quốc quê hương
Đêm nhạc đã mở ra một hành trình văn hóa, nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc và nhắc nhở về trách nhiệm bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam. Đây cũng chính là cơ hội để các bạn trẻ tìm hiểu, trải nghiệm và trân trọng những giá trị truyền thống qua âm nhạc.
Sự duyên dáng của 4 diễn viên trẻ trong đêm nhạc
Không dừng lại ở những tiết mục biểu diễn, chương trình đã dẫn dắt khán giả vào câu chuyện phiêu lưu, khám phá văn hóa của ba bạn trẻ đến từ ba miền Bắc, Trung, Nam Việt Nam. Trên hành trình khám phá bản sắc văn hóa dân tộc, họ nhận ra rằng giá trị thực sự không nằm ở những khái niệm xa vời mà hiện diện trong từng thanh âm, vũ điệu và đời sống thường nhật.
Tiết mục múa Gối Gấm
Sân khấu được chia thành ba khu vực, đại diện cho ba miền đất nước. Mở đầu là những giai điệu đằm thắm của miền Bắc với bài hát “Hà Nội 12 Mùa Hoa”, phản ánh vẻ đẹp lãng mạn và thanh lịch của thủ đô Hà Nội. Tiếp theo, khán giả được thưởng thức những giai điệu trầm mặc của miền Trung qua các bài hát “Nàng thơ xứ Huế” và “Đậm tình miền Trung”, tái hiện vẻ đẹp yên bình, sâu lắng của mảnh đất cố đô. Chương trình khép lại với không khí sôi động và phóng khoáng của miền Nam qua bài hát “Sài Gòn đẹp lắm”, mang đến một sắc thái tươi mới, trẻ trung của thành phố mang tên Bác.
Nốt trầm lặng của Sài Gòn đô thị
Một trong những điểm nhấn ấn tượng nhất của đêm nhạc chính là sự xuất hiện của hai giọng ca đặc biệt: 52Hz và Em Ellata. 52Hz mang đến không gian âm nhạc sôi động, mạnh mẽ, tràn đầy năng lượng của tuổi trẻ, khiến khán giả phải nhún nhảy theo từng nhịp điệu. Ngược lại, Em Ellata lại khiến người nghe thổn thức với những giai điệu tinh tế, sâu lắng, như những câu chuyện tự sự đầy cảm xúc. Sự kết hợp giữa hai cá tính âm nhạc này đã tạo nên một không gian đầy tương phản nhưng cũng vô cùng hài hòa, làm sâu sắc thêm câu chuyện mà chương trình “Ngân Tiếng Ba Miền” muốn truyền tải, qua đó làm nổi bật sự giao thoa giữa hiện đại và truyền thống, giữa sức trẻ và những giá trị văn hóa sâu sắc của dân tộc.
Em Ellata lấp lánh với những nốt thanh âm bay bỏng
52Hz cùng chụp hình với các fan hâm mộ “HUFLIT”
Ngoài ra, chương trình còn là nơi hội tụ của hơn 60 tài năng trẻ HUFLIT, những người đã góp phần tạo nên bức tranh nghệ thuật đầy cảm xúc và màu sắc. Các bạn không chỉ biểu diễn để thể hiện tài năng mà còn bày tỏ sự trân trọng dành cho văn hóa dân tộc, góp sức mình vào công cuộc bảo vệ và lan tỏa những giá trị truyền thống dân tộc Việt Nam trong dòng chảy hiện đại. Từng điệu múa, từng lời ca đều mang đậm niềm tự hào và sự tôn vinh những giá trị cốt lõi của dân tộc Việt, khẳng định sức sống mãnh liệt của văn hóa dân tộc trong trái tim thế hệ trẻ.
BTC trao tặng thư cảm ơn đến các tài năng trẻ của chương trình
Sự thành công của chương trình không đơn thuần dừng lại ở các tiết mục nghệ thuật mà còn là sự kết nối giữa các thế hệ, giữa truyền thống và hiện đại, giữa những giá trị vĩnh hằng của dân tộc với dòng chảy văn hóa thế giới. Đây là một minh chứng rõ ràng về sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam, một nền văn hóa luôn được bảo tồn và phát triển qua các thế hệ.
Dù đêm nhạc đã khép lại, nhưng những dư âm vẫn vang vọng như một lời nhắc nhở về tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc và trách nhiệm bảo tồn di sản văn hóa. Sự kiện nghệ thuật “Ngân Tiếng Ba Miền” chính là lời hẹn cho những hành trình tiếp theo, nơi âm nhạc tiếp tục kể chuyện và văn hóa vẫn được tôn vinh.
Khoảnh khắc kỉ niệm của toàn thể BTC chương trình