Chương trình tập huấn lần thứ hai tự đánh giá chương trình đào tạo theo chuẩn FIBAA đối với chương trình đào tạo Cử nhân ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, ngành Quan hệ quốc tế và ngành Tài chính – Ngân hàng.
Phát biểu tại lớp tập huấn, TS. Nguyễn Anh Tuấn đã lưu ý: chuẩn kiểm định FIBAA có tính khắt khe và yêu cầu cao về mục tiêu, chương trình đào tạo, tính ứng dụng thực tiễn, cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy, chất lượng người học,…Việc đạt tiêu chuẩn quốc tế FIBAA sẽ thúc đẩy chất lượng đào tạo và tính minh bạch trên lộ trình thực hiện công tác, đảm bảo định hướng giáo dục của Nhà trường.
Buổi tập huấn có sự hướng dẫn của chuyên gia là PGS. TS. Lê Ngọc Quỳnh Lam – Giám đốc Trung tâm KĐCLGD-ĐHQG-HCM.
Tiếp nối nội dung được tập huấn trước đó, các thành viên tập trung phân tích các tiêu chuẩn của bộ chuẩn FIBAA. Báo cáo viên nhấn mạnh các nguyên tắc khi viết báo cáo tự đánh giá cần phải ngắn gọn, đúng trọng tâm nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ các thông tin, minh chứng cần thiết theo yêu cầu.
Tại buổi tập huấn, các nhóm tác giả lần lượt trình bày phần bài viết báo cáo lần 1, đồng thời đưa ra những vấn đề thắc mắc, bất cập trong quá trình thực hành viết báo cáo. Cụ thể, thông qua bài báo cáo lần 1, các nhóm tác giả ghi nhận một số nội dung xoay quanh việc lấy số liệu thực tiễn vẫn còn mơ hồ chưa thực hiện được trên cơ sở với nhiều lý do phát sinh hoặc một số chỗ còn chưa bám sát nội hàm của tiêu chí …
Trong khuôn khổ buổi tập huấn, các nhóm viết báo cáo đã tiến hành ghi nhận các ý kiến của các thành viên khác và chuyên gia. Xuyên suốt buổi tập huấn, các thành viên tham dự đã tập trung lắng nghe hướng dẫn, tích cực thảo luận và đặt câu hỏi về các tiêu chí đánh giá của hệ thống tiêu chuẩn kiểm định FIBAA.
Thông qua các hoạt động ý nghĩa của lớp tập huấn, đội ngũ lãnh đạo, giảng viên, chuyên viên có thể tiếp tục rèn luyện chuyên môn, kiến thức về quy trình xây dựng và tự đánh giá chương trình đào tạo, qua đó nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy, quản trị và chăm sóc người học, tiếp cận được với các yêu cầu “quốc tế hoá”.