Toàn cảnh buổi talkshow “Gen Z và cách xử lý thông tin độc hại trên mạng xã hội”
Để làm rõ hơn như thế nào là thông tin độc hại, ThS. Đặng Nguyễn Phương Uyên – Giảng viên khoa Luật Dân sự trường Đại học Luật TP. HCM chia sẻ: “Có nhiều loại thông tin độc hại khác nhau, xuất hiện từ nhiều nguồn khác nhau. Thứ nhất là những thông tin mang tính tiêu cực đối với bản thân mình. Thứ hai là những thông tin sai sự thật nhằm mục đích câu like, câu view. Thứ ba, những thông tin không phù hợp với lứa tuổi; hoặc những thông tin vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội cũng là một dạng của thông tin độc hại”.
Khách mời chia sẻ thông tin, giao lưu cùng sinh viên Trường
Theo ThS. Đặng Nguyễn Phương Uyên, việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội là nhu cầu thiết yếu của mỗi người. Khi chúng ta có những điều mà bản thân tâm đắc, những khoảnh khắc, những bức ảnh đẹp, chúng ta đều mong muốn được đăng tải lên mạng xã hội để chia sẻ với những người xung quanh. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với điều chúng ta chia sẻ, sẽ có những ý kiến trái chiều khiến chúng ta cảm thấy bài xích. Vậy, điều chúng ta nên làm ngay lúc này chính là chọn lọc những quan điểm mang tính xây dựng và bỏ ngoài tai những đóng góp có ý chỉ trích, để thay đổi theo hướng tích cực và bảo vệ bản thân trước những điều tiêu cực.
Đối với những thông tin mang tính sai lệch về các cơ quan, chính trị, những vấn đề kinh tế – xã hội, chúng ta nên dừng lan truyền và báo cáo xấu những trang thông tin này để các nhà chức trách có thẩm quyền kịp thời vào cuộc, ngăn chặn những nguồn thông tin độc hại này.
Sinh viên giao lưu, đặt câu hỏi cho khách mời
Theo ThS. Phương Uyên: “Chúng ta nên nhận diện những thông tin đó có mang lại điều độc hại cho mình hay không bằng cách: xem tác động của nó lên những người xung quanh và đối với xã hội như thế nào. Ngoài ra, chúng ta có thể tham khảo ý kiến của người thân, bạn bè để làm rõ mục đích của những thông tin đó”.Bên cạnh đó, việc tiếp thu thông tin nên chủ động đến từ phía chúng ta.
Cũng tại chương trình, khách mời còn cung cấp thêm thông tin về Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, đã được ban hành và có hiệu lực từ năm 2021. Đối với những đối tượng có hành vi lan truyền thông tin sai lệch, nói xấu trên mạng xã hội sẽ bị phạt hành chính tối đa 30 triệu đồng; và nghiêm trọng hơn là sẽ bị xử phạt hình sự nếu những hành vi đó gây ra tổn thương đối với đối tượng bị phát tán thông tin.
Khách mời chụp ảnh lưu niệm cùng sinh viên Trường
Cô Phương Uyên cũng đưa ra lời khuyên cho sinh viên HUFLIT: “Thay vì dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội, chúng ta nên dành thời gian để quan tâm tới những người xung quanh, chăm sóc bản thân, đầu tư cho kiến thức, cho ngoại hình. Chúng ta nên để chiếc điện thoại và mạng xã hội phụ thuộc mình, đừng để bản thân phụ thuộc vào nó. Bên cạnh đó, chọn lọc các nguồn uy tín, chính thống để tiếp nhận thông tin cũng là một cách khiến ta tránh xa những thông tin độc hại”.
Ngoài những chia sẻ trên, khách mời còn đưa ra những dẫn chứng cụ thể, sinh động để các bạn sinh viên thấy được tác hại khủng khiếp mà thông tin độc hại mang lại. Qua buổi Talkshow, chắc chắn các bạn sinh viên Trường đã có nhận thức đúng đắn hơn về cách sử dụng mạng xã hội và ứng xử thông minh hơn khi đối mặt với những thông tin sai lệch, tiêu cực ảnh hưởng tới quá trình rèn luyện và học tập, giúp các bạn bảo vệ bản thân cũng như người thân tránh khỏi tác hại của thông tin độc hại.