Mở đầu buổi hội thảo là những chia sẻ từ Bác sĩ Nguyễn Lê Hạnh Nguyện – Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật TP. TP. Hồ Chí Minh (HCDC) về những con số thống kê tình hình nhiễm HIV trong cả nước cũng như trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Bác sĩ Nguyễn Lê Hạnh Nguyện – Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC)
Theo Bác sĩ Hạnh Nguyện, mặc dù HIV/AIDS không còn được coi là “Căn bệnh thế kỷ” mà là “Bệnh mãn tính có thể kiểm soát được” nhưng trong những năm gần đây, số ca nhiễm mới được phát hiện mỗi năm tại TP. Hồ Chí Minh lớn hơn so với cả nước, vào khoảng hơn 3.500 ca và trong đó có 26% thuộc nhóm trẻ từ 22 tuổi trở xuống.
Bác sĩ còn cho biết: “Cả nước đang hướng tới hoàn thành mục tiêu 95 – 95 – 95 và kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Với mục tiêu này, TP. Hồ Chí Minh đã vượt chỉ tiêu 98% số người được đưa vào điều trị khống chế được tải lượng virus”. Bên cạnh đó là những chia sẻ về hành trình và mục tiêu chống dịch trong 30 năm bằng những con số, lộ trình và hành động cụ thể.
Để cung cấp và bổ sung thông tin chính xác cho các bạn đoàn viên, sinh viên tham gia, bác sĩ đã nêu lại khái niệm HIV, các giai đoạn phát triển của HIV trong cơ thể, những con đường lây truyền và không lây truyền HIV/AIDS, cách dự phòng và phát hiện. Trước khi kết thúc phần chia sẻ, Ban Tổ chức cũng đã mang đến một trò chơi nhỏ nhằm giúp các bạn đoàn viên, sinh viên cùng ôn lại những kiến thức đã được cung cấp từ đầu chương trình.
Trong phần tiếp theo của buổi hội thảo, Tâm lý gia Đặng Khánh An đã mở đầu bằng việc phân tích nhận thức của giới trẻ ngày nay trước những nguy cơ và những nguyên nhân dẫn đến những nguy cơ đó. Việc thiếu kiến thức, thiếu năng lực đánh giá nguy cơ là một trong những nguyên nhân khiến các bạn trẻ ngày nay có những hành vi gây hại cho bản thân.
Khách mời Đặng Khánh An – Tâm lý gia lâm sàng Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh
Một vấn đề đáng suy ngẫm được đặt ra là “Kiến thức đúng có chắc lựa chọn hành vi phù hợp?” Diễn giả chia sẻ “Chúng ta có kiến thức đúng chưa chắc đã có được hành vi đúng”. Bởi vì một số rào cản cá nhân, dù ý thức được đó là những việc làm không nên làm, nhưng bản thân vẫn sẽ thực hiện điều đó. Theo khách mời, có 04 yếu tố gây ra hành vi nguy cơ: nhận thức/giá trị sống tiêu cực, lòng tự tôn thấp, thiếu hụt kỹ năng ứng phó và tổn thương tâm lý.
Khách mời đã đưa ra ví dụ cụ thể để làm rõ những yếu tố này, từ đó, đề xuất những biện pháp giúp các bạn đoàn viên, sinh viên bảo vệ bản thân trước những nguy cơ: “Nên thường xuyên cập nhật kiến thức pháp luật, nhất là kiến thức pháp luật liên quan đến giới trẻ, đừng khiến bản thân vướng vào những nguy cơ lao lý. Quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe của bản thân, đặc biệt là sức khỏe tâm thần. Tìm hiểu bản thân, các giá trị cốt lõi, con người mà bản thân muốn trở thành. Chúng ta nên xây dựng một giá trị nội tâm ổn định, đừng phụ thuộc vào sự công nhận của người ngoài. Nâng cao khả năng trắc ẩn và tự tôn. Phát triển các kỹ năng ứng phó tốt với căng thẳng và tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp như bác sĩ, chuyên gia tâm lý để giải quyết những tổn thương tâm hồn”.
Thông qua hoạt động, với những kiến thức được cung cấp, các bạn đoàn viên, sinh viên HUFLIT sẽ có thêm cái nhìn đúng đắn về căn bệnh HIV/AIDS, biết được quá trình phòng, chống dịch của Nhà nước ta, từ đó nâng cao nhận thức, có cách phòng tránh cũng như cách bảo vệ bản thân trước những nguy cơ tiềm ẩn.
Các bạn đoàn viên, sinh viên HUFLIT chụp ảnh lưu niệm cùng khách mời