Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động, Đoàn trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Cựu Chiến binh Trường tổ chức hai cuộc thi, bao gồm Cuộc thi viết và Cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến với chủ đề “Tìm hiểu về 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024)” diễn ra từ ngày 02/4 đến ngày 21/4/2024 đã thu hút sự quan tâm và tham gia đông đảo của đoàn viên, thanh niên Trường.
Vào ngày 26/4/2024, Đảng ủy Trường đã trao tặng giấy khen dành cho đoàn viên, thanh niên đạt thành tích cao tại các cuộc thi. Bên cạnh đó, đoàn viên, thanh niên còn được nhận quà tặng “Bản đồ Việt Nam” từ Đoàn trường và tiền thưởng từ Hội Cựu Chiến binh Trường. Trong đó:
- Cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến:
Giải nhất: Sinh viên Bùi Hoàn Thiện – khoa Ngoại ngữ.
Giải nhì: Sinh viên Tăng Trí Thông – khoa Ngoại ngữ.
Giải ba: Sinh viên Nguyễn Tiến Đạt – khoa Ngoại ngữ.
Trao thưởng Cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến
Giải nhất: Sinh viên Lê Phương Hà – khoa Quan hệ Quốc tế.
Giải nhì: Sinh viên Nguyễn Thị Lan Hương – khoa Ngoại ngữ.
Giải ba: Sinh viên Bùi Trúc Khanh – khoa Kinh tế – Tài chính.
Giải khuyến khích: Sinh viên Nguyễn Ngọc Thanh Thảo – khoa Quan hệ Quốc tế.
Trao thưởng đoàn viên, thanh niên đạt thành tích cao tại cuộc thi
Bên cạnh đó, cũng trong buổi chiều ngày 26/4/2024, Đoàn trường và Hội Cựu Chiến binh Trường đã tổ chức Chương trình Họp mặt Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024), 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024) với sự tham gia của các khách mời, Thầy Cô là Cựu Chiến binh đang công tác tại HUFLIT và đoàn viên, thanh niên Trường.
Tiết mục văn nghệ mở màn “Đất nước trọn niềm vui”
Đoàn viên, thanh niên HUFLIT chụp ảnh lưu niệm cùng Cựu Chiến binh, khách mời
Buổi họp mặt đã diễn ra trong không khí vô cùng trang trọng nhưng không kém phần chân tình với những chia sẻ của Thầy Nguyễn Ngọc Vũ – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, những câu chuyện đầy xúc động về những năm tháng chiến tranh khốc liệt qua lời kể của các nhân chứng lịch sử như Thượng tá Nguyễn Tuấn Minh – Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Quận 10, Thầy Lê Đình Tự – Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Trường, Thầy Trần Văn Tiếng – Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hoá phương Đông và Thầy Nguyễn Thanh Sơn – Bí thư Chi bộ Liên khoa 1.
Thầy Nguyễn Ngọc Vũ - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại buổi họp mặt
Thầy Lê Đình Tự - Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Trường
Thầy Trần Văn Tiếng - Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hoá phương Đông
Thầy Nguyễn Thanh Sơn - Bí thư Chi bộ Liên khoa 1
Bên cạnh đó, tại buổi họp mặt, đoàn viên, thanh niên được xem phim tài liệu “Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, do Hãng phim Tài liệu và Điện ảnh Nhân dân sản xuất. Qua đó, khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam là những nhân tố cơ bản làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc; khẳng định giá trị to lớn của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Bộ phim tài liệu “Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” được chiếu tại buổi họp mặt
Khách mời, Cựu Chiến binh HUFLIT hát vang ca khúc “05 anh em trên một chiếc xe tăng”
Hướng tới Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024), Đoàn trường phối hợp với Hãng phim Trẻ tổ chức 02 buổi Chiếu phim lịch sử “Giải phóng Sài Gòn” tại cơ sở Sư Vạn Hạnh (HUFLIT) và cơ sở Hóc Môn (HUFLIT) trong 02 ngày 22, 23/4/2024, thu hút hơn 1.000 đoàn viên, thanh niên tham gia. Dựa trên Tác phẩm “Sài Gòn – Bản hùng ca” của nhà văn Hoàng Hà. Bộ phim bắt đầu từ trận tấn công giải phóng Buôn Ma Thuột khiến Việt Nam Cộng hòa phải cầu viện quân sự của Hoa Kỳ, đồng thời tìm cách cố giữ Huế và Đà Nẵng, đến trận đánh chiếm ngã ba Dầu Giây nhằm chiếm Xuân Lộc, mở cánh cửa phía Đông để tiến vào Sài Gòn. Tiếp đến những trận pháo làm tê liệt sân bay quân sự Biên Hòa và Tân Sơn Nhất, tất cả tập trung vào những mũi đánh quyết định trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiếp đến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước..
Chiếu phim lịch sử “Giải phóng Sài Gòn” tại cơ sở Sư Vạn Hạnh (HUFLIT)
Chiếu phim lịch sử “Giải phóng Sài Gòn” tại cơ sở Hóc Môn (HUFLIT)
Vào ngày 03/5/2024, tại Hội trường lầu 6, cơ sở Sư Vạn Hạnh (HUFLIT), Đoàn trường đã phối hợp cùng Công đoàn Trường tổ chức buổi Báo cáo chuyên đề “Điện Biên Phủ – Vang mãi bản hùng ca lịch sử”. Buổi báo cáo có sự tham gia và chia sẻ của Trung tướng Phạm Văn Dỹ – Nguyên Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7, cùng với sự hiện diện của lãnh đạo các đơn vị Phòng, Khoa, Viện, Trung tâm, Thư viện, cũng như quý Thầy Cô là cán bộ, giảng viên, đoàn viên, thanh niên Nhà trường.
Tiết mục văn nghệ mở màn “Giai điệu tự hào”
Trung tướng Phạm Văn Dỹ - Nguyên Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7
Qua những lời kể sinh động cùng cách kể chuyện hóm hỉnh nhưng đanh thép của Trung tướng Phạm Văn Dỹ, hình ảnh về trận chiến trên chiến trường Điện Biên Phủ như được hiện ra trước mắt. Qua đó, khẳng định tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại và ý nghĩa to lớn, sâu sắc của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với dân tộc và thời đại; khẳng định tinh thần anh dũng, mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta, nhất là đường lối chính trị, quân sự và ngoại giao đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những công lao, đóng góp to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và các tầng lớp Nhân dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Quang cảnh buổi Báo cáo chuyên đề “Điện Biên Phủ - Vang mãi bản hùng ca lịch sử”
Đêm nhạc kịch “Vang mãi khúc ca đại ngàn” – Một chương trình ý nghĩa được tổ chức vào đúng ngày Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024) tại Hội trường lầu 6, cơ sở Sư Vạn Hạnh (HUFLIT).
Đêm nhạc kịch đã mang đến nhiều cung bậc cảm xúc khó quên cho người xem qua phần diễn xuất của những đoàn viên, thanh niên tài năng. Từ hình ảnh những chiến sĩ trẻ với tâm thái hiên ngang, hừng hực khí thế, ngày đêm chiến đấu vì mảnh đất quê hương, đến tình đồng đội, đồng chí ấm áp giữa chiến trường khốc liệt, những bài ca tiếng hát thể hiện tình yêu quê hương nồng cháy, khao khát hòa bình, độc lập cháy bỏng, cho đến những giây phút đau đớn, lắng đọng khi khói lửa đạn bom đã cướp đi sinh mạng của đồng bào, chiến sĩ ta cùng hình ảnh Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng phất cao trên nóc hầm De Castries.
Đêm nhạc kịch như một bản hùng ca bất tận, chạm sâu vào trái tim của những người con đất Việt, dấy lên lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ghi dấu ấn mạnh mẽ vào tư tưởng của đoàn viên, thanh niên Trường.
Đêm nhạc kịch “Vang mãi khúc ca đại ngàn”
Ngoài các hoạt động trên, Đoàn trường còn tiến hành xây dựng Chuyên mục “Điện Biên Phủ – Những năm tháng khói lửa” trên trang cộng đồng “Đoàn TN – Hội SV HUFLIT”, nhằm giới thiệu rộng rãi đến đoàn viên, thanh niên Trường những thước phim về Chiến dịch Điện Biên Phủ, giúp đoàn viên, thanh niên HUFLIT càng hiểu thêm về những công lao to lớn, cùng nỗi vất vả của các thế hệ đi trước để mang đến “mùa xuân” trải dài trên đất nước hình chữ S thân yêu.
Chuyên mục “Điện Biên Phủ - Những năm tháng khói lửa”
Có một câu nói: “Chiến tranh không đáng sợ, chỉ sợ người trẻ quên mất đất nước”. Qua chuỗi hoạt động giáo dục truyền thống về Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước và Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đoàn trường gửi gắm đến những người trẻ sẽ tình yêu nước và lòng biết ơn sâu sắc trước những công ơn của thế hệ cha ông đi trước. Những người đã hy sinh tuổi trẻ và những ước mơ để mang lại một mùa xuân bền vững cho đất nước ngày nay. Đồng thời, chúng ta cũng nhận ra rằng hoà bình không phải lúc nào cũng dễ dàng. Chính vì vậy, đoàn viên, thanh niên Trường hãy giữ gìn và trân trọng những gì chúng ta đang có.