Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết rất nhiều người đang hoang mang về tình hình dịch bệnh viêm phổi do virus corona mới. Tuy nhiên các khuyến cáo phòng dịch “phải rất hợp lý” để không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân một cách “không đáng có”.
Trong lúc này, dịch đang diễn biến phức tạp, còn nhiều vấn đề dịch tễ chưa rõ ràng như thời gian ủ bệnh, người lành có lây hay không, theo ông Phu. Do đó Bộ Y tế khuyến cáo nếu không thật cần thiết thì không nên đến chỗ đông người. Nếu không khẩn cấp thì không nên tổ chức hội họp, lễ hội đông người, có thể thay bằng hình thức khác như họp trực tuyến.
Đối với trường học, đại diện Bộ Y tế khẳng định “chưa có khuyến cáo học sinh nghỉ học vì chưa phát hiện ca nào lây lan trong cộng đồng”. Bộ Giáo dục Đào tạo đã chỉ đạo trong ngành những trường hợp nào có dấu hiệu bệnh thì đến cơ sở y tế khám. Nếu có biểu hiệu bệnh, bệnh nhân sẽ được cách ly, giám sát, xử lý theo tình hình như cho nghỉ một lớp hay vài lớp.
“Việt Nam chưa có ca bệnh lây lan trong cộng đồng”, ông Phu nói.
Trên thực tế, nhiều trường học đã có khuyến cáo phụ huynh học sinh có thể cân nhắc cho con nghỉ học. Các trường khác thông báo tình hình dịch bệnh kèm khuyến nghị cha mẹ cho con đeo khẩu trang khi đi học. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các sở, trường, tùy tình hình để cho học sinh sinh viên nghỉ học.
Ông Phu cũng nhận định dịch bệnh viêm phổi do nCoV đang diễn ra quá nhanh trong khi những hiểu biết về căn bệnh, nguồn bệnh, virus vẫn còn chưa thật rõ ràng.
|
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, nơi cách ly điều trị hai bệnh nhân viêm phổi nCoV, chiều 31/1. Ảnh: Giang Huy.
|
Đeo khẩu trang là biện pháp rất tốt để ngăn ngừa dịch bệnh, theo các chuyên gia của Bộ Y tế. Ở trong các môi trường thông thường như nơi công cộng, trên xe buýt, dùng khẩu trang y tế thông thường và đeo đúng cách cũng có thể phòng ngừa được virus nCoV. Chỉ những người chăm sóc, điều trị bệnh nhân, người đi vào ổ dịch mới cần dùng khẩu trang N95, và các quần áo bảo hộ đặc biệt.
Trong những ngày qua đường dây nóng 19003228 cung cấp thông tin về bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV bị quá tải. Đại diện Bộ Y tế cho biết đã cử những bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm túc trực đường dây nóng để giải đáp các thắc mắc của công chúng. Từ ngày 1/2, đường dây nóng sẽ trở thành số điện thoại miễn phí.
11 tỉnh có các ca mắc hoặc nghi ngờ, đang được ngành y tế phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch gồm Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Kiên Giang.
45 đội phản ứng nhanh được thành lập tại hàng chục bệnh viện lớn và viện quân y, mỗi đội gồm ít nhất hai bác sĩ và xe cứu thương, sẽ cơ động tới mọi địa bàn.
Bà Sataco Ottshu, Trưởng nhóm Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết WHO đánh giá cao các nỗ lực của Việt Nam trong giám sát, phát hiện, điều trị, khuyến cáo… bệnh viêm phổi.
“Chúng tôi hiểu sự băn khoăn, thắc mắc, thậm chí là nỗi sợ hãi của công chúng về việc sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu”, bà Sataco Ottshu chia sẻ về động thái mới nhất của WHO. Tuy nhiên bà nhấn mạnh rằng quốc gia nào đang có công tác chuẩn bị ứng phó tốt thì cứ tiếp tục công việc như vậy.
Số ca liên quan đến nCoV
6
Nhiễm bệnh
(dương tính nCoV)
0
28
93(sốt, ho, đến từ vùng dịch)
Cập nhật: 10:00, 1/2Nguồn: Bộ Y Tế