Giỏi ngoại ngữ đã đủ để giúp bạn trở thành công dân toàn cầu?

TÁC GIẢ: Đình An - Trung tâm Truyền thông - Tổ chức Sự kiện
NGÀY: 04/08/2021

Ngoài việc sử dụng trôi chảy các ngôn ngữ, sinh viên cần chuẩn bị thêm một vài yếu tố khác để đủ năng lực hội nhập quốc tế

Theo thống kê từ Google Trends, “Công dân toàn cầu” (Global Citizen; World Citizen) là một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trong vòng 2-3 năm trở lại đây. Chỉ riêng Việt Nam, trong khoảng giữa tháng 5 đến tháng 6/2021, cụm từ trở nên sôi động hơn bao giờ hết với tỷ lệ tìm kiếm đạt mốc 100 điểm trên Trends (thang điểm cao nhất).

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng khái niệm này ở mức độ là những người đi đến nhiều quốc gia, thông thạo ngoại ngữ và có tác phong hiện đại thì vẫn chưa miêu tả chính xác về một công dân toàn cầu.

Do đó để sinh viên hiểu rõ hơn khái niệm và biết cách để trở thành “Công dân toàn cầu” (CDTC), TS. Ngô Thị Bích Lan – Phụ trách khoa Quan hệ Quốc tế HUFLIT, cho biết có 03 kỹ năng cơ bản và then chốt dành cho một “Global Citizen”, trong đó ngoại ngữ chỉ mới là bước đầu tiên của hành trình vươn ra thế giới.

Ảnh cô Bích Lan (giữa) cùng các bạn sinh viên Khoa Quan hệ Quốc tế trong tiết học môn Lịch sử Văn minh Thế giới

– Thưa cô Lan, chúng ta nên hình dung một CDTC nên là người như thế nào?
– Có 02 cách nghĩ: nếu bạn xem thế giới này là một quốc gia lớn, thì mỗi thành viên sống trong đất nước đó được gọi là một CDTC.
– Ở góc độ khác phổ biến hơn, họ là những công dân có khả năng thích nghi tốt với nhiều môi trường văn hóa, có năng lực làm việc xuyên quốc gia với mức thu nhập cao và được đào tạo bài bản. Đây cũng là khái niệm công dân được hướng đến trong mục tiêu đào tạo của nhiều trường đại học trên thế giới hiện nay, trong đó có Việt Nam.

– Nói về năng lực làm việc trong môi trường đa văn hóa, phải chăng đây cũng là yếu tố cần thiết của một CDTC thưa cô?
– Đúng vậy! Công dân toàn cầu di chuyển và làm việc ở nhiều quốc gia với nhiều bối cảnh văn hóa – xã hội khác nhau nên sẽ cần có nền tảng kiến thức đa dạng để xử lý các tình huống phát sinh tại mỗi địa điểm cũng như xử lý các vấn đề xảy ra ở quy mô đa quốc gia.
– Muốn có năng lực đó thì người học cần có tư duy đa văn hóa (Multicultural Mindset) và điều quan trọng nhất là học cách chấp nhận sự khác biệt của người khác (hay một nền văn hóa khác). Chẳng hạn như khi bạn đến sinh sống và làm việc một đất nước Hồi giáo – nơi có đặc trưng văn hóa gần như khác xa Việt Nam, lúc đó một CDTC nên làm gì?
– Hãy khởi động bằng việc làm quen (tìm hiểu về lối sống, văn hóa, phong tục tập quán của địa phương) tìm hiểu cách người dân ở đó ứng xử, đồng thời tìm hiểu về văn hóa, tập tục của địa phương. Sự thấu cảm và trân trọng những điều mới lạ sẽ được sản sinh từ việc bạn am hiểu bao nhiêu về văn hóa của nước đó. Càng hiểu sẽ càng trân trọng.
– Tư duy đa văn hóa không chỉ thúc đẩy sự phát triển, tăng trưởng kinh tế giữa các quốc gia, các cộng đồng mà còn làm phong phú hơn cuộc sống cá nhân, trí tuệ, tình cảm, đạo đức và tinh thần của mỗi người.

Cuộc thi Language Melody do các bạn sinh viên khoa Quan hệ Quốc tế tổ chức – đòi hỏi thí sinh thể hiện năng lực ngoại ngữ (Anh, Hàn, Trung, Nhật) qua hình thức biểu diễn nghệ thuật. Ảnh: Fanpage Language Melody

– Bên cạnh việc có được tư duy phù hợp, có chăng chúng ta nên nói thêm về kỹ năng dành cho một CDTC?
–  Hai trong số những kỹ năng mà sinh viên đã từng nghe qua chính là kỹ năng sống và kỹ năng làm việc. Với một CDTC cũng vậy, họ cần phải rèn luyện kỹ năng nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia hoặc các tổ chức, cơ quan quốc tế.
– Các bạn chỉ cần gõ tên 02 nhóm kỹ năng vừa nêu thì Google sẽ trả về hàng loạt kết quả để người học tham khảo. Ở đây, tôi xin phép chỉ đưa ra vài kỹ năng cơ bản:
Kỹ năng làm việc bao gồm: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý, kỹ năng lên kế hoạch và tổ chức, kỹ năng đàm phán và thương lượng, kỹ năng lãnh đạo,…
Kỹ năng sống bao gồm: kỹ năng tự lập, kỹ năng sinh tồn, kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng tự vệ, kỹ năng giao tiếp và liên lạc,…
– Như vậy, để có thể hoàn thành các nhiệm vụ được giao, ngoài kỹ năng chuyên môn, người lao động phải sử dụng rất nhiều kỹ năng mềm để kết nối, hỗ trợ, tương tác với đồng nghiệp, lãnh đạo cơ quan, các đối tác, khách hàng.
– Thành công là một quá trình lâu dài, các kiến thức và kỹ năng được đào tạo chủ yếu mang tính chất nền tảng, CDTC cần hiểu đúng về năng lực học tập suốt đời, khả năng thay đổi, chấp nhận thay đổi và thích nghi với môi trường làm việc đa dạng cũng như biến động không ngừng của các vấn đề kinh tế – văn hóa – xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Sinh viên ngành Hàn Quốc học HUFLIT (bìa phải) và du học sinh các nước thảo luận đề tài nghiên cứu tại Hàn Quốc

– Cô nghĩ sao về vai trò của ngoại ngữ đối với một CDTC?
– Như tôi có nói, ngoại ngữ là cánh cửa đầu tiên mà những CDTC cần phải bước qua để khám phá và tìm hiểu các đặc thù văn hóa, công việc và cuộc sống của người dân các quốc gia trên thế giới.
– Không chỉ giúp tiếp cận đến nguồn tri thức rộng lớn, mở rộng các mối quan hệ nhờ giao tiếp bằng tiếng nước ngoài, quá trình học tập và tiếp thu nhiều ngôn ngữ khác nhau sẽ giúp phát triển khả năng ghi nhớ của não bộ, gia tăng mức độ tập trung và phát huy năng lực sáng tạo tốt hơn.
– Theo tôi, các sinh viên muốn trở thành CDTC được khuyến khích sử dụng thành thạo ít nhất một loại ngoại ngữ chính, bên cạnh việc phát huy thêm nhiều thứ tiếng khác.

– Nếu được giới thiệu 3 quyển sách giúp sinh viên phát triển được tư duy đa văn hóa, cô sẽ gợi ý cho các bạn những tựa đề gì?
– Sách về văn hóa sẽ có rất nhiều, kể cả sách giấy và sách điện tử. Ớ góc độ cá nhân, tôi xin chia sẻ với các bạn 3 cuốn sách liên quan đến đa văn hóa, thích nghi và ứng xử, giao tiếp giữa nhiều nền văn hóa khác nhau:
+ Phải trái đúng sai (Michael Sandel), bản dịch của Hồ Đắc Phương;
+ Người châu Á có biết tư duy (Kishore Mahbubani), Quế Chi dịch;
+ 21 bài học cho thế kỷ XXI (Yuval Noah Harari), bản dịch của Dương Ngọc Trà.
– Ba cuốn sách này đều có bản tiếng Anh, bạn nào khá giỏi tiếng Anh có thể đọc ngôn ngữ gốc để hiểu rõ hơn về góc nhìn của tác giả.

Cảm ơn cô về buổi trò chuyện, chúc cô luôn nhiều sức khỏe!

Tin tức & Sự kiện gần đây

  • Thông báo kết luận hội nghị đối thoại trực tiếp lãnh đạo Nhà trường với Sinh viên năm học 2023 – 2024
    Ngày 29/3/2024, tại cơ sở Sư Vạn Hạnh và ngày 02/4/2024 tại cơ sở Hóc Môn, trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường với sinh viên. Sau khi lắng nghe các câu hỏi, kiến nghị của sinh viên và phần giải đáp của lãnh đạo các đơn vị chức năng, Ban Giám hiệu kết luận như sau:
  • Thông báo Lịch thi kết thúc học phần Học kỳ II – Năm học 2023-2024 dành cho những sinh viên đăng ký học các học phần thuộc khóa 2023
    Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP. Hồ Chí Minh thông báo lịch thi kết thúc học phần HKII (2023-2024) dành cho những sinh viên đăng ký học các học phần thuộc khóa 2023 (kể cả SV các khóa khác có đăng ký trả nợ môn và được duyệt hoãn thi), cụ thể như sau:
  • Tham gia workshop “Tự tin tút tát” – Tự tin tìm hiểu và thực hành trang điểm cùng sinh viên khoa Quan hệ Quốc tế HUFLIT
    Mong muốn xây dựng một không gian để những bạn có sự yêu thích về làm đẹp, quan tâm và muốn cải thiện ngoại hình giao lưu, gặp gỡ, nhóm Tutshouse đến từ khoa Quan hệ Quốc tế đã tổ chức thành công buổi workshop “Tự tin tút tát” với sự thám gia của hàng trăm sinh viên.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Đăng ký xét tuyển tại tuyensinh.huflit.edu.vn
Tìm hiểu thông tin huflit.edu.vn

Tư vấn tuyển sinh

Hotline 1900 2800
Email tuyensinh@huflit.edu.vn
Zalo 0965 876 700
icon-bar